BQL chợ Đồng Xuân lên tiếng trước tin “đập chợ, xây trung tâm thương mại”
Đại diện Ban quản lý chợ Đồng Xuân cho hay, việc tiểu thương chợ Đồng Xuân xuống đường, căng băng rôn phản đối việc đập bỏ chợ Đồng Xuân xây trung tâm thương mại là do hiểu lầm.
Tiểu thương chợ Đồng Xuân xuống đường phản đối việc đập chợ cũ để xây trung tâm thương mại ngày 9/4.
Tiểu thương lo mất khách, nợ nần
Sáng 9/4, hàng trăm tiểu thương ở chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đóng cửa sạp hàng, rủ nhau xuống đường căng băng rôn phản đối sau khi nghe thông tin chính quyền muốn đập bỏ chợ để xây trung tâm thương mại.
Tiểu thương N.T.H bán vải ở chợ Đồng Xuân cho hay, chợ đã hoạt động hàng chục năm nay. Cả gia đình chị đều buôn bán ở đây, kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào việc chạy chợ.
“Chợ vẫn đang hoạt động tốt, sao phải xây lại. Mọi người đang yên ổn làm ăn, quen mối, quen khách giờ đập đi xây lại thì chúng tôi mất hết khách”, chị H. lo lắng.
Cùng tâm trạng lo lắng, bà T. cho hay, bà đã buôn bán ở chợ Đồng Xuân gần 20 năm nay. Số vốn bà đầu tư tiền hàng lên đến hàng tỉ đồng, giờ nếu đập chợ cũ xây trung tâm thương mại thì việc làm ăn của gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, rơi vào cảnh nợ nần.
Ông N.Q cũng phản đối khi nghe thông tin chính quyền muốn đập bỏ chợ. Ông nói: “Chợ được thiết kế để sử dụng lâu dài. Chúng tôi đang làm ăn yên ổn, quen khách, không thể bắt chúng tôi thay đổi việc kinh doanh”.
“Bây giờ, rất nhiều chợ mới như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam và các trung tâm thương mại đều rất vắng khách. Hơn nữa, việc xây trung tâm thương mại ở đây sẽ khiến chúng tôi phải đến một chợ mới, mất đến vài năm mới quen khách trở lại. Mất khách, chúng tôi sống sao?”, ông Q. nói tiếp.
Sau khi chính quyền quận Hoàn Kiếm giải thích, các tiểu thương đã trở lại buôn bán bình thường.
Phản ứng do hiểu lầm
Liên quan đến vụ việc trên, sáng 10/4, trao đổi với PV, đại diện Công ty cổ phần Đồng Xuân – đơn vị chủ quản chợ Đồng Xuân cho biết, việc người dân xuống đường phản đối hoàn toàn là do hiểu lầm.
Theo vị đại diện này, sở dĩ người dân xuống đường phản ứng ngày 9/4 là do trước đó 1 ngày, trên kênh truyền hình VTV1 phát sóng chương trình Chào buổi sáng có đưa tin liên quan đến việc UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về việc xây khu chợ Đồng Xuân – Bắc Qua có thể được cải tạo thành trung tâm thương mại.
“Người dân hiểu lầm là chính quyền đang lên đề án đập bỏ chợ cũ để xây trung tâm thương mại nên họ phản đối, tuy nhiên, sự thật thì không phải như vậy. Chính quyền cũng đã cho cán bộ và có văn bản giải thích để người dân hiểu rõ”, vị đại diện nói.
Ngay trong ngày 9/4, sau khi tiểu thương xuống đường phản đối, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản giải thích rằng, đề án của quận nhằm nhận diện giá trị truyền thống hiện nay của chợ Đồng Xuân làm cơ sở, từ đó đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị, nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ gắn với chỉnh trang đô thị, phát triển chợ Đồng Xuân xứng đáng là là chợ hàng đầu khu vực miền Bắc.
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long ký nêu rõ: “Không có ý tưởng xây dựng chợ Đồng Xuân – Bắc Qua thành Trung tâm thương mại như các chợ Hàng Da, Cửa Nam…”.
Văn bản của UBND quận Hoàn Kiếm trả lời khẳng định không đập chợ Đồng Xuân xây trung tâm thương mại.
Ghi nhận thêm của PV, ngày 10/4, các tiểu thương chợ Động Xuân đã không còn xuống đường căng băng rôn phản đối việc xây chợ nữa. Hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa đã diễn ra bình thường trở lại.
Chợ Đồng Xuân được xây dựng từ năm 1889, ban đầu họp ngoài trời, sau được xây thành chợ với năm cầu khung sắt, lợp tôn tráng kẽm. Năm 1994, chợ Đồng Xuân bị hỏa hoạn, lửa thiêu trụi gần như toàn bộ các gian hàng trong chợ. Sau đó, từ năm 1994-1996, chợ được xây dựng lại trên nền chợ cũ. Quy mô chợ xây lại gồm 3 tầng nhưng vẫn giữ một phần kiến trúc của chợ cũ. Cho đến nay, chợ Đồng Xuân vẫn là chợ đầu mối, bán buôn lớn nhất miền Bắc. |
Nghe tin đồn về chuyện chợ Đồng Xuân sẽ bị dẹp bỏ để xây trung tâm thương mại, hàng trăm tiểu thương căng băng rôn...