BOT liên tiếp "vỡ trận" vì tài xế dùng "quái chiêu"
Nhiều tài xế mang theo tiền lẻ mệnh giá từ 200 đến 500 đồng; đỗ ô tô thành hàng dài nhằm phản đối mức phí ở các trạm BOT.
Mới đây, để phản đối mức phí cao tại BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm khiến giao thông tê liệt, ùn tắc gần 3km. Bộ GTVT đã phải cử gấp đoàn công tác vào Tiền Giang đàm phán với chủ đầu tư mức giảm phí, đồng thời xả trạm giải tỏa giao thông. Điều đáng nói, từ đầu năm 2017 đến nay cũng đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự tại các trạm thu phí Cầu Rác; Tam Nông; Thanh Nê; Quán Hàu.
Trạm Cai Lậy “vỡ trận” vì "mưa" tiền lẻ
Liên tiếp hai ngày 13 và 14/8, tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (quốc lộ 1A, tỉnh Tiền Giang) nhằm phản đối mức phí cao, khiến cho giao thông ùn tắc kéo dài. Thậm chí, cánh tài xế còn mua một con heo quay nặng 15kg để đưa đến trạm thu phí thắp nhang cúng trạm. Cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động phải căng mình bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực và buộc phải xả trạm sau đó.
Một lái xe đang dùng tiền mệnh giá nhỏ mua vé qua trạm thu phí đường tránh Cai Lậy. (Ảnh: Người lao động).
Đến sáng 15/8, trạm thu phí Cai Lậy tiếp tục xả trạm, không thu phí trong khi đường khá thông thoáng. Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho hay, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đang theo dõi khoảng 19 chiếc xe được cho là “cố tình cản trở” hoạt động tại trạm thu phí. Hiện, danh sách các xe này đã được gửi tới cơ quan công an.
Clip: Trạm thu phí Cai Lậy nhìn từ trên cao (clip: Người lao động)
Tài xế dùng tiền 200 đồng mua vé qua trạm Bến Thủy
Ngày 3/12/2016, hàng trăm người ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và thành phố Vinh (Nghệ An) tập trung tại trạm thu phí cầu Bến Thuỷ 1. Họ mang băng rôn có nội dung “Chúng tôi không sử dụng BOT đường tránh thành phố Vinh, sao lại phải chịu phí khi qua cầu Bến Thuỷ 1". Sự việc khiến giao thông qua đây bị tắc nghẽn nhiều giờ.
Ngày 2/4/2017, khoảng 100 tài xế ô tô tiếp tục thực hiện cách thức phản đối mới, khi lần lượt chạy xe qua trạm thu phí hai cầu Bến Thuỷ 1 và Bến Thủy 2, mua vé bằng tiền mệnh giá dưới 1.000 đồng, nhằm kéo dài thời gian kiểm đếm của nhân viên các trạm này.
Ngoài khẩu hiệu, băng rôn người dân còn dùng cả tiền lẻ để mua vé qua cầu
Sau nhiều cuộc họp, đến ngày 11/4/2017, Bộ GTVT chủ trì cuộc họp với chính quyền hai tỉnh và chủ đầu tư. Các bên đạt được đồng thuận giảm 100% phí cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn), loại 2 (xe 12-30 chỗ; tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn) và xe buýt của chủ xe tại TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) khi đi qua trạm BOT Bến Thủy 1. Thời gian áp dụng từ 24/4.
Clip: Tài xế dùng tiền 200 đồng mua vé qua trạm Bến Thủy
Dùng tiền lẻ thấm nước mua vé qua trạm Cầu Rác
Ngày 16/4/2017, gần 40 người dân huyện Cẩm Xuyên xuống đường cùng 30 xe tải ben loại dưới 8 tấn, một số ô tô 4 chỗ tập trung tại đầu trạm thu phí Cầu Rác (thuộc xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), mang băng rôn "Chúng tôi không đi đường BOT, tại sao lại phải trả phí" rồi cho xe đi chậm qua trạm để phản đối. Nhà chức trách phải huy động lực lượng phân luồng để không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.
Tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá thấp, thấm nước để mua vé qua trạm thu phí Cầu Rác. Ảnh: Đ.H
Đến sáng 4/5, hơn 100 xe ô tô các loại tiếp tục được treo băng rôn, khẩu hiệu: “Nhân dân thị xã Kỳ Anh không đi đường BOT tại sao phải trả phí?”. Đặc biệt, nhiều tài xế khi đi qua trạm Cầu Rác đã dùng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng đến 2.000 đồng để mua vé khiến giao thông tại đây ùn tắc kéo dài. Một số người dùng tiền lẻ thấm nước để mua vé qua trạm.
Sau đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký văn bản thống nhất về nguyên tắc giảm 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính ở huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh lưu thông qua trạm Cầu Rác theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Công ty Sông Đà.
Người dân chặn xe phản đối trạm thu phí Tam Nông
8h30 ngày 13/3/2017, khoảng 20 ô tô các loại được người dân địa phương huy động đến trạm thu phí Tam Nông (Phú Thọ). Các xe đỗ dàn hàng ngang trước 4 làn thu phí, gây ách tắc giao thông. Đến 9h sáng, lượng phương tiện ùn tắc kéo dài khoảng 500-600m tại hai đầu trạm thu phí.
Nguyên nhân của vụ việc trên được cho là do tuyến quốc lộ 32 chỉ thi công nâng cấp, sửa chữa 12km nền đường cũ, nhưng mức thu phí từ 35.000 - 50.000 đồng/lượt là quá cao, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn.
Đoàn xe dừng tại trạm thu phí gây ách tắc hàng trăm mét trên quốc lộ 32. Ảnh: Anh Duy.
Ngày 23/4, Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ (chủ đầu tư quản lý, khai thác tuyến đường) có văn bản thông báo miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu trên địa bàn các xã thuộc huyện Tam Nông (Phú Thọ).
Dân chặn đường phản đối mức phí trạm Quán Hàu
Ngày 4/1/2017, người dân đã mang nhiều ô tô chặn luồng xe vào trạm thu phí Quán Hàu ở Km 672 trên QL1A đoạn qua xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình để phản đối mức thu phí.
Lái xe đưa phương tiện “quây” trạm thu phí để phản đối phí đường bộ thu cao.
Vụ việc này kéo dài gần 2 giờ đồng hồ khiến giao thông trên tuyến QL1A ách tắc. Sau đó, lực lượng chức huyện Quảng Ninh phải đến vận động, giải thích lái xe dời đi. Đến ngày 8/5, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký công văn gửi Bộ GTVT đề nghị miễn giảm mức phí cho người dân địa phương qua 2 trạm thu phí BOT trên tuyến QL1 A.
Công văn này đề nghị miễn, giảm phí các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn) và loại 2 (xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải có trọng tải từ 2 đến dưới 4 tấn) đối với người dân, doanh nhiệp có hộ khẩu và trụ sở đặt trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh và TP.Đồng Hới; địa bàn huyện Quảng Trạch, Thị xã Ba Đồn (khi qua trạm Tasco) và miễn phí đối với xe buýt. Tuy nhiên, sau đó, mong muốn miễn giảm giá vé cho người dân địa phương khi qua trạm vẫn chưa được thực hiện.
Mật độ đặt trạm dày đặc, mức thu phí quá cao, dễ gây tắc nghẽn giao thông… là những bất cập đang bộc lộ ở nhiều...