'Bông hồng thép' Diệu Linh

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Được ví như một “bông hồng thép” đi đầu trên mặt trận rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị (Tổ chức Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy) đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn, trả lại đất sạch cho người dân sản xuất và lan tỏa các thông điệp nhân văn, hòa bình đến toàn thế giới.

"Khâu vá" vết thương chiến tranh

Diệu Linh đã gắn bó và cống hiến cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị 15 năm. Sinh ra tại chiến khu Ba Lòng thời chống Pháp, lớn lên tại thị trấn Ái Tử, là những địa danh gắn liền với những mốc son lịch sử trong cuộc trường chinh bảo vệ đất nước. Sau chiến tranh, nhiều loại vật liệu nổ còn sót lại xung quanh khu dân cư, chị Linh luôn đau đáu nỗi lo trong lòng.

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh (trái ảnh) trao đổi với thành viên Đội rà phá bom mìn nữ (MAT 19) về hiện trạng tìm kiếm bom mìn

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh (trái ảnh) trao đổi với thành viên Đội rà phá bom mìn nữ (MAT 19) về hiện trạng tìm kiếm bom mìn

Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Huế ngành Tiếng Anh năm 2009, Diệu Linh “đầu quân” làm phiên dịch kiêm cán bộ hoạt động của Dự án Renew (Dự án Phục hồi môi trường và Khắc phục hậu quả chiến tranh). Từ đó, chị mở đầu hành trình “người khâu vá” vết thương chiến tranh. Năm 2015, Diệu Linh được cử làm Quản lý hoạt động chương trình NPA, năm 2020 chị được giao Quản lý chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị cho đến nay.

Xử lý thành công vật liệu nổ.

Xử lý thành công vật liệu nổ.

Để phát huy vai trò của phụ nữ trong việc khắc phục hậu quả bom mìn, Diệu Linh đã đứng ra thành lập các đội rà phá bom mìn nữ. Mô hình đã phát huy hiệu quả được các tổ chức, dự án phi chính phủ khác học tập, nhân rộng. Hiện chị phụ trách tất cả các hoạt động của chương trình NPA đang triển khai trên địa bàn với 300 nhân viên thực hiện các công tác như khảo sát, rà phá, xử lý bom mìn lưu động; thử nghiệm các thiết bị cao trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn... Diệu Linh bảo, thời gian đầu lúc được giao làm công tác quản lý, chị chịu nhiều áp lực khi phải đảm đương trọng trách. Nhiệm vụ chính mỗi ngày của chị là làm việc với chính quyền địa phương để dự án triển khai thuận lợi cũng như tạo điều kiện đầy đủ về trang thiết bị, công cụ triển khai các hoạt động; phối hợp với đội ngũ quản lý, các đội trưởng Đội rà phá bom mìn để đảm bảo các hoạt động triển khai diễn ra an toàn, hiệu quả.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Việt Nam năm 2017 đã xác định, Quảng Trị là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất toàn quốc sau chiến tranh với 81,36% diện tích bị ô nhiễm, 141/141 xã, phường thị trấn bị ô nhiễm. Từ năm 2001 đến nay, Dự án Renew/NPA tại tỉnh Quảng Trị đạt nhiều kết quả khả quan khi đã rà phá được 22 triệu m2, xử lý lưu động trên 15.300 nhiệm vụ người dân báo thông tin bom mìn, xử lý được 123.400 vật liệu nổ khác nhau từ các hoạt động...

Người khơi nguồn cảm hứng

Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn Diệu Linh luôn có mặt ở các địa bàn khảo sát đã mang lại động lực lớn cho các đội rà phá bom mìn, đặc biệt là nữ. Theo chân chị tại buổi khảo sát của Đội rà phá bom mìn nữ BAC2 tại thôn Hải An, xã Hải Thái, huyện Gio Linh, chúng tôi mới thấy hết sự nguy hiểm và vất vả trong công việc rà phá bom mìn. Giữa diện tích rừng cao su, những vật liệu nổ được tìm thấy đang được khoanh vùng chờ lệnh xử lý. Sau khi lắng nghe Đội trưởng phân tích tình hình, Diệu Linh kiểm tra trực tiếp rồi đưa ra phương hướng cụ thể để giải quyết hợp lý. Cuối ngày, lúc tiếng vật liệu nổ vang lên là lúc chị Linh và những người đồng hành nở nụ cười nhẹ nhõm bởi vì đã loại bớt được một mối hiểm nguy cho người dân. Đối với các đội rà phá bom mìn nữ, Diệu Linh không chỉ là người quản lý mà còn như một thành viên, người truyền cảm hứng để các chị em nỗ lực, cố gắng hoàn thành công việc.

Chị Nguyễn Thị Hải Vân-Đội trưởng Đội rà phá bom mìn nữ BCA2 (Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị) chia sẻ, chị làm việc ở Chương trình NPA được 10 năm. Suốt thời gian qua, chị Diệu Linh luôn quan tâm, sâu sát, chỉ đạo kịp thời. Mọi người luôn duy trì tính kỷ luật cao, tình đoàn kết, đảm bảo sự an toàn trong quá trình thực thi nhiệm vụ để giảm bớt hậu quả bom mìn sau chiến tranh. “Chị Linh cũng là người truyền cảm hứng để các chị em thấy được phụ nữ cũng có thể hoạt động trên lĩnh vực này và làm tốt công việc. Chính sự nghiêm túc, hết mình trong công việc của chị Linh là tấm gương sáng, hình mẫu cho nhiều phụ nữ, trẻ em gái học hỏi noi theo”.

Phút giải lao giữa giờ của các thành viên viên Đội rà phá bom mìn nữ (MAT 19).

Phút giải lao giữa giờ của các thành viên viên Đội rà phá bom mìn nữ (MAT 19).

Diệu Linh bảo, chị rất vinh dự và tự hào khi được đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào việc khắc phục hậu quả bom mìn của Quảng Trị. Qua đó, giảm bớt đau thương, xóa mờ đi vết thương chiến tranh, trả lại màu xanh cho đất và góp phần để sự sống sinh sôi. Hiện nay, mô hình khắc phục hậu quả bom mìn của Quảng Trị đang được quốc tế đánh giá thành công với nhiều bài học kinh nghiệm được để nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới học hỏi.

Tháng 5/2021, Diệu Linh được Bộ Ngoại giao Việt Nam mời báo cáo trong phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” tổ chức trực tuyến tại Hà Nội. Với năng lực và kinh nghiệm của mình, chị đã được tham dự nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn trong nước và quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn. Từ đây, chị đã là cầu nối để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn nỗi đau do bom mìn gây ra đối với người dân Quảng Trị sau chiến tranh nói riêng, Việt Nam nói chung và những nỗ lực của chính quyền, quân đội, các dự án, tổ chức phi chính phủ trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn, đồng thời góp phần truyền tải thông điệp hòa bình trên thế giới.

Những người lính công binh với dao phát, xẻng, thuốn sắt rà đất, gỡ từng quả mìn còn sót lại sau ngày biên giới Việt - Trung ngưng tiếng pháo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Thành - Thanh Thủy ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN