Bỗng dưng thất nghiệp

Sáng 18/5, nhiều cán bộ, công nhân thuộc Công ty CP Thiết bị Giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo) đã tụ tập trước cổng công ty đòi doanh nghiệp này phải thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động.

Những công nhân này cho biết, từ khoảng tháng 9/2011 đến nay, nhiều người bỗng nhiên bị "đẩy ra đường", nhà xưởng đóng cửa, không có công ăn việc làm gì trong khi ban lãnh đạo công ty không hề có một lời giải thích nào.

Nhiều người trong số công nhân này đều đã công tác tại Công ty CP Thiết bị Giáo dục mười mấy năm. Từ khi Tổng giám đốc mới là bà Hoàng Thị Kim Loan lên nắm quyền thì những công nhân này bỗng trở thành người thất nghiệp.

Nữ công nhân Nguyễn Thị Nhị (SN 1975, quê Thanh Hóa) cho hay, chị đã làm việc ở đây từ năm 1998, và hiện đang là công nhân hợp đồng dài hạn, lương được hơn 2 triệu/tháng. Từ tháng 9/2011, chị Nhị bỗng nhiên bị cho nghỉ việc không lương, mà công ty không ra một thông báo gì.

"Tôi cống hiến cho công ty 15, 16 năm rồi mà bỗng dưng bị nghỉ việc. Lâu nay tôi đành cố chạy chỗ nọ, làm chỗ kia để tạm sống."

Bỗng dưng thất nghiệp - 1

Từ khi bị cho nghỉ việc, chị Nguyễn Thị Nhi phải làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống

Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (làm ở bộ phận văn phòng, lương cũng khoảng 2 triệu đồng/tháng) nói: "Tôi là cử nhân tốt nghiệp đại học Bách Khoa. Vào làm việc tại công ty từ năm 2002 theo hợp đồng dài hạn với đồng lương cỡ hơn 2 triệu đồng/tháng. Tôi đã có gia đinh, bỗng dưng bị cho nghỉ việc, lâu nay phải sống dựa vào chồng cũng là công nhân khiến đời sống gia đình con cái hết sức chật vật."

Chị Hạnh cho biết thêm, nhiều công nhân phải nghỉ việc từ tháng 9/2011, còn một số người như chị thì vẫn đi làm đến tháng 4 vừa rồi mới nhận quyết định nghỉ. Tuy vậy từ tháng 9 năm ngoái đến nay cũng không được chi trả đồng lương nào.

Bỗng dưng thất nghiệp - 2

Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh cầm đơn kêu cứu

Theo đó, khối công nhân bộ phận sản xuất đều bị nghỉ việc không lương từ tháng 9/2011.

Anh Phạm Ngũ Hiệp (quản đốc phân xưởng) cho biết, từ tháng 6/2011 đến nay, anh không có công ăn việc làm, không có lương, bảo hiểm hay bất kỳ một chế độ nào. Bộ phận bên anh có còn một số hàng tồn nên cố vớt vát làm được khoảng 3-4 triệu/tháng chia nhau cho hơn 10 người. Trong khi đó, cơ quan có đi đấu thầu, nhận hợp đồng về làm thì công ty lại không cho làm. Vậy là từ tháng 9/2011 đến nay đành nghỉ không lương.

Những công nhân này cho biết, sau một thời gian phải nghỉ việc không lương mà không thấy ai nói gì, mới đây, công ty lại ra một bản danh sách thông báo nghỉ chờ việc không lương từ 1/5 đối với 55 cán bộ công nhân viên của công ty. Trong đó hầu hết là những người đã công tác ở đây lâu năm và có hợp đồng dài hạn, nhưng không thấy thanh toán lương hay chế độ gì thậm chí cũng chẳng có thông báo cụ thể nào đến từng người.

Chị Nguyễn Thị Trâm (ở Yên Thành - Nghệ An) cho hay, chị là cử nhân đại học Kinh tế Quốc dân, vào đây làm tại trung tâm nội thất học đường thuộc công ty theo hợp đồng dài hạn với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. Vậy nhưng trung tâm bỗng nhiên bị đóng cửa, và tất cả đều phải nghỉ làm. Gần 50 công nhân tại trung tâm trở thành thất nghiệp.

Chị Trâm cho hay, các chị đỡ hơn những người khác một chút do ông giám đốc cũ ở trung tâm là ông Đặng Hùng Lập (nay đã về hưu) đã bỏ tiền cá nhân ra chi trả cho các công nhân số lương đến hết năm 2011. Tuy nhiên, mấy tháng sau này, do ông giám đốc này đã kiệt quệ tài chính, không thể bỏ thêm tiền nhà ra trả cho công nhân nữa. Được biết hiện ông giám đốc trung tâm này (từng giữ cương vị tổng giám đốc 2 tháng cuối cùng của sự nghiệp) đã về hưu từ tháng 11/2011 nhưng chẳng có chế độ gì.

Sáng nay, sau mấy tiếng đồng hồ tụ tập trước công ty CP Thiết bị Giáo Dục 1, nhưng không có ai trả lời, những người công nhân này đã kéo sang trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo ở gần đó để kêu cứu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lệ Vân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN