Bỗng dưng thành... tỉ phú

Anh Th., một người bạn của chúng tôi, cũng chỉ là một y sĩ thường thường bậc trung, một chiều điện thoại hú tôi đi rửa chiếc xe hơi mới mua. Hơi bất ngờ vì không nghĩ bạn mình bỗng nhiên phất nhanh như vậy. Nhìn chiếc xe Toyota bóng loáng, anh cười: “Tự nhiên trên trời rơi xuống chứ giàu có gì...”.

Hơn cả trúng số độc đắc...

Hỏi ra mới hay Th. vốn hay đi công tác vùng núi, biết anh sắp làm nhà, anh em trên đó mới cho anh một số khúc gỗ ngắn chỉ đủ vừa để về làm các thanh lan can và lót bậc cầu thang. Mang số gỗ ấy về gọi thợ mộc đóng cái cầu thang nho nhỏ, vốn cũng không rành về gỗ, thấy có vân đẹp thì đóng vậy thôi. Không ngờ một ngày có anh bạn đến chơi và bảo: Mày có bao nhiêu tỉ mà dám chơi nguyên cái cầu thang gỗ sưa vậy? Anh Th. ngẩn người: Cái cầu thang này có gì mà bạc tỉ? Hóa ra anh có có nghe về vụ gỗ sưa mua bằng cân bằng ký tiền triệu nhưng không hề biết đó là những thanh gỗ mình đang dùng để đóng cầu thang.

Người bạn kia đã bảo anh tháo cầu thang ra để bán, nhưng anh Th. nghĩ đã đóng vào nhà không nỡ tháo ra nên quyết định cứ để vậy. Nhưng mà nào có yên, biết tin anh Th. có cầu thang bằng gỗ sưa không ngày nào không có người đến tìm hỏi. Bị quấy rối bởi các tay săn gỗ sưa ghê quá, thôi thì bán nó đi cho rồi. Vậy là anh quyết định bán toàn bộ cái cầu thang kia và thay bằng cầu thang gỗ gụ. Số tiền bán cầu thang anh Th. không tiết lộ, nhưng nhìn con xế hộp thì có thể ước đoán anh đã bán được bao nhiêu.

Bỗng dưng thành... tỉ phú - 1

Những phách gỗ sưa ở nhà ông Đ.X.Đ. ở Kon Plông (Kon Tum)

Trong chuyến công tác năm ngoái lên Kon Tum tôi đã gặp ở nhà ông Đ.X.Đ. ở thôn Mang Kành, huyện Kon Plông những phách gỗ sưa xếp lớp. Ông Đ. cho biết số gỗ này ông kiếm đã lâu và không biết nó có giá đến thế. Gần đây khi hiểu ra giá trị của nó, ông quyết định bán để xây nhà và giá tiền bạc tỉ đã nằm trong tầm tay khi ông có đến 20 phách gỗ này với kích cỡ 1,5m x 0,3m.

Mười lăm, hai mươi năm trước, giấc mơ của nhiều gia đình chỉ là bộ xalông hộp và cái tủ chè. Thời đó dễ gì đóng được gỗ cẩm lai hay gụ, hương, sến, táu... trong khi gỗ sưa tuy không phổ biến nhưng cũng rẻ hơn các loại gỗ kể trên. Trước đây sưa không thể sánh vai với gụ hay lim, nhiều gia đình chắt chiu đóng được cái tủ chè, tủ thờ hay bộ xalông hộp gỗ sưa cũng là oách. Và nó oách thật khi anh L. ở Lao Bảo (Quảng Trị) bỗng một ngày phát hiện bộ xalông nhà mình làm bằng gỗ sưa. Anh cứ để bộ xa lông chễm chệ giữa nhà, dù đã có thương lái ngã giá bạc tỉ.

Bỗng dưng thành... tỉ phú - 2

Dù nhiều thương lái đến trả giá, nhưng chủ nhân gốc sưa này ở Đắk Hà (Kon Tum) vẫn chưa chịu bán

Cơ quan nhà nước cũng bỗng nhiên... giàu

Không chỉ có cá nhân, gia đình... bỗng nhiên thành tỉ phú. Tại Quảng Bình, khi thiên hạ xôn xao gỗ sưa giá bạc tỉ mới phát hiện nhiều tủ bàn ở văn phòng cơ quan được đóng bằng gỗ sưa. Ít nhất có ba cơ quan ở tỉnh Quảng Bình may mắn như thế. Anh H.A.P., đứng đầu một cơ quan ở TP Đồng Hới, cho biết cơ quan anh có một bộ bàn ghế làm bằng gỗ sưa. Khi biết được điều đó lập tức cơ quan này đã cử bảo vệ “làm sao đó thì làm miễn sao bộ bàn ghế... không được mất trộm”. Sau đó do việc bảo vệ quá nhọc nhằn nên cơ quan đành họp công đoàn và ra “nghị quyết”... bán! Bán lần đầu, người mua dùng phép thử bằng cách đốt một vài mẩu gỗ lấy từ bộ bàn ghế ra. Họ nói không phải gỗ sưa và trả lại. Tiếp đó có lái gỗ khác tìm tới hỏi mua. Lần này được kiểm tra kỹ hơn và cho biết trong số gỗ đóng nên bộ bàn ghế này có lẫn lộn gỗ sưa. Bộ bàn ghế được bán với số tiền mấy trăm triệu đồng, dùng chi phí cho các hoạt động của cơ quan. Tại huyện Bố Trạch, một cơ quan khác cũng có một cái tủ gỗ sưa đã bán được cả tỉ đồng.

Ở huyện miền núi Minh Hóa cũng có một cơ quan nhà nước có bộ bàn ghế to làm bằng gỗ sưa. Không chỉ thế, cơ quan này còn may mắn có thêm một cái tủ và hai cái đôn cũng bằng gỗ sưa. Tất cả, nếu tính theo thời giá thị trường buôn bán gỗ sưa hiện nay ở Quảng Bình là hơn 2 tỉ đồng! Trước đây một thời gian, đã có nhiều người ngấp nghé tới trả giá, sẵn sàng mua ngay tắp lự với giá 1,5 tỉ đồng. Hai bộ đồ dùng bằng gỗ sưa này khi được làm ra và cho đến khi huyện mua về chỉ có giá hơn 10 triệu đồng. Nay cả hai bộ này đã lên nước bóng lộn. Trong lần gặp một cán bộ ở huyện này về TP Đồng Hới công tác, tôi hỏi đã bán chưa, anh này nói vui: “Huyện nghèo nên bộ bàn ghế và cái tủ gỗ sưa phải cất kỹ làm... khoản để dành”. Hiện giờ “khoản để dành” đó được bảo vệ cơ quan cất công trông giữ không khác gì báu vật.

Cơn sốt gỗ sưa với những cú ra giá bạc tỉ đã khiến việc săn lùng, trộm cướp cây gỗ này y như một cuộc chiến khốc liệt với những chuyện cười ra nước mắt. Không chỉ có chuyện những gia đình nơm nớp sợ bị mất trộm, cũng không chỉ chuyện chặn đường cướp cạn như những ngày qua ở khu rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, đã có nhiều cây sưa cổ thụ bị cưa bán rất ngang nhiên. Từ khi rộ lên cơn sốt gỗ sưa đến nay những vụ cưa trộm gỗ sưa không chỉ giới hạn ở Hà Nội - thành phố hiện có hơn 1.000 cây sưa được trồng trên các tuyến phố, mà hầu như địa bàn nào cũng xảy ra những vụ tương tự.

Mới đây, tại thành phố Buôn Ma Thuột, để bảo vệ những cây sưa trên các tuyến phố, xí nghiệp công viên cây xanh (trực thuộc Công ty một thành viên Quản lý đô thị và vệ sinh môi trường Đắk Lắk) đã yêu cầu công nhân của đơn vị mình ra treo võng “ngủ cùng sưa”! Chắc chắn không công nhân nào có thể suốt đời treo võng ngủ đêm cùng sưa như vậy, chưa kể những tay sưa tặc có thể làm liều để cướp sưa, bởi cây sưa dù có quý đến đâu cũng không thể quý hơn tính mạng con người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Đức Dục - Lam Giang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN