Ngày 26/2/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên diễn ra trong hai ngày ngày 27 và 28 tháng 2. Đây là cuộc gặp thứ hai giữa các nhà lãnh đạo hai nước, sau cuộc gặp đầu tiên vào tháng 6 năm 2018 tại Singapore.
Tối 27/2, ông Trump và ông Kim mở màn hội nghị bằng một cuộc gặp riêng và dùng bữa tối cùng các cố vấn hàng đầu ở khách sạn Metropole (Hà Nội).
Sáng 28/2, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un có mặt tại khách sạn Metropole bắt đầu ngày làm việc thứ hai. Hai nhà lãnh đạo dành cho nhau nhiều lời ca ngợi và khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Mỹ-Triều Tiên.
Sau khi cuộc đàm phán sơ bộ giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un kéo dài quá thời gian dự kiến, thư ký báo chí Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng bữa trưa đã bị hủy, không có thỏa thuận nào đạt được vào thời điểm này.
Kết thúc Hội nghị, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội. Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ tiến trình hoà bình và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị và tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam vừa trải qua những ngày cuối năm 2019 tràn ngập cảm xúc, khi tại kỳ SEA Games 30 năm nay, đội tuyển U22 Việt Nam đã được vinh danh cùng với tấm huy chương vàng lịch sử sau chiến thắng áp đảo với tỷ số 3-0 trước U22 Indonesia trong trận chung kết môn bóng đá nam. Đây là tấm HCV danh giá, đầy ý nghĩa bởi chúng ta đã phải chờ đợi quá lâu để lần đầu tiên biến giấc mơ vàng SEA Games thành hiện thực. Tấm huy chương mà bao thế hệ đi trước vẫn hằng vươn tới mà chưa thể mang về.
Tấm HCV này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi nó đến cùng lúc với tấm huy chương vàng mà đội tuyển nữ Việt Nam vừa giành được cũng trong kỳ SEA Games này khi đánh bại đội tuyển nữ Thái Lan ở trận chung kết.
Cả đội tuyển nam và đội tuyển nữ đã làm nức lòng hàng triệu trái tim người hâm mộ nước nhà. Một ngày cả đất nước cảm nhận được trọn vẹn niềm vui chiến thắng.
Trước đó, vào tháng 8/2019, đội tuyển nữ Việt Nam cũng đã xuất sắc đoạt chức vô địch nữ Đông Nam Á 2019. Trong khi đoàn quân của huấn luyện viên Park Hang-seo lại thi đấu rất ấn tượng tại Vòng loại World Cup 2022 với 5 trận bất bại (3 trận thắng và 2 trận hoà), qua đó xếp ở vị trí thứ 1 bảng G.
2019 cũng là năm đội tuyển nam quốc gia lọt vào đến tứ kết Asian Cup 2019. Sau đó, các đội U19 và U23 nam đều giành vé tham dự vòng chung kết Châu Á vào năm 2020.
Các tuyển thủ, bằng sức mạnh, sự đoàn kết, tinh thần thi đấu quả cảm cùng khát khao chiến thắng đã mang về những thành tích tuyệt vời. Những phần thưởng lớn lao, từ vật chất đến tinh thần đã được trao tặng đã là nguồn động viên, khích lệ lớn lao đến tinh thần các cầu thủ. Nhưng hơn hết, lòng tin, tình yêu của người hâm mộ đã thực sự trở lại. - thứ thực sự khích lệ tinh thần các cầu thủ.
Khép lại năm 2019 với một chuỗi thành công, bóng đá Việt Nam sẽ bước sang năm 2020 với nhiều giải đấu, mà mở đầu là hành trình chinh phục vòng loại U23 Châu Á của U23 Việt Nam vào tháng 1/2020.
Trong năm 2019, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến học sinh tử vong tại trường hoặc trên đường đến trường bằng xe đưa đón. Những vụ việc này khiến dư luận bàng hoàng, thương xót bởi các bé ra đi khi còn cả một tương lai rộng mở ở phía trước.
Một ngày đầu tháng 8/2019, bé L.H.L. (6 tuổi, học sinh lớp 1 Tokyo, trường Gateway, Hà Nội) được phát hiện đã tử vong trên xe đưa đón của nhà trường. Đây mới là ngày đi học thứ 2 của bé, và nguyên nhân khiến bé tử vong được cho là bị bỏ quên trên xe đưa đón suốt từ sáng đến chiều, trong điều khiện thời tiết nóng nực. Vụ việc khiến dư luận choáng váng và đặt nhiều câu hỏi về cái chết của cháu bé.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) công bố đầu tháng 12/2019, bé L. tử vong do suy hô hấp tuần hoàn do sốc nhiệt trong không gian giới hạn, loại trừ nguyên nhân tử vong do tác động ngoại lực.
Hiện, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố hai bị can Nguyễn Bích Quy (SN 1964, người đưa đón) và Doãn Quý Phiến (SN 1966, tài xế) về tội “Vô ý làm chết người”; đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thủy (SN 1990, chủ nhiệm lớp 1 Tokyo) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cuối tháng 11 vừa qua, một sự việc đáng tiếc cũng xảy ra tại Trường mầm non Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội). Theo báo cáo của UBND huyện gửi đến Sở GD&ĐT Hà Nội, trong giờ hoạt động ngoài trời buổi sáng, cháu Đ.T (3 tuổi) đã chui vào đường ống của cầu trượt chơi, không may bị mắc phần đầu ở ô hình chữ nhật. Thời điểm cháu bé mắc kẹt, không ai phát hiện ra. Đến khi cô giáo biết sự việc thì bé đã rất yếu. Cháu bé được đưa đi cấp cứu sau đó nhưng đã không qua khỏi. 3 cô giáo phụ trách lớp bé Đ.T đã được triệu tập để lấy lời khai.
Trước đó, sáng 24/10, cháu H.G.H. (SN 2012, học sinh lớp 2 trường Tiểu học xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội) chơi đùa cùng bạn thì bị vướng vào đoạn dây điện bị chùng xuống nên bị giật. Khi mọi người phát hiện, cháu bé đã tử vong. Theo Bí thư - Chủ tịch HĐND xã Tuy Lai, đường điện này là nguồn chính từ trạm điện cấp cho các phòng học. Đường dây điện đã gặp sự cố từ trước đó, nhà trường đã dùng đinh gia cố vào tường tầng 2 nhưng không chắc chắn.
Những trường hợp trên và nhiều trường hợp học sinh gặp nạn khác, phải nhập viện cấp cứu và thậm chí thiệt mạng tại trường hoặc liên quan đến nhà trường đã khiến những người là phụ huynh thêm lo lắng và mong muốn các nhà trường cũng như các cấp quản lý quan tâm hơn đến sự an toàn của học sinh.
Một loạt “sự cố môi trường” đã xảy ra trong năm 2019 khiến người dân, đặc biệt là người dân Hà Nội sống trong thấp thỏm lo âu.
28/8, lửa bùng lên dữ dội tại kho chứa hàng thuộc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Cả kho hàng thành tro bụi, và điều đáng sợ nhất đã đến: Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đã có 15,1kg đến 27,2kg thủy ngân bị phát tán ra ngoài môi trường.
Người người lo lắng, nhà nhà sợ hãi, nhất là những người sống gần khu vực trên. Thậm chí, nhiều gia đình còn sơ tán người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai về quê. Bệnh viện, trạm y tế bỗng nườm nượp người đến khám, xét nghiệm thủy ngân.
Sau sự cố đó, Hà Nội đã yêu cầu di dời nhà máy Rạng Đông ra khỏi khu vực dân cư.
Hơn 1 tháng sau, vào đầu tháng 10, Hà Nội lại đối mặt với một sự cố môi trường khác khi nguồn nước do Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp cho 1/3 số người sinh sống tại Hà Nội bỗng... xuất hiện “mùi lạ”. Người Hà Nội không dám dùng nước sông Đà ăn uống, thậm chí tắm rửa. Hà Nội bước vào một “cơn khát” thực sự.
Nước sông Đà được mang đi kiểm định, kết quả: Hàm lượng Styren vượt ngưỡng. Nguyên nhân được xác định là do có người đổ trộm dầu thải vào khu vực đầu nguồn tại khe núi ở xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình. Đáng nói, Viwasupco đã phát hiện đầu nguồn bị nhiễm dầu từ trước đó mà không thông báo, khuyến cáo khiến sự bức xúc của người dân Hà Nội lên đến đỉnh điểm.
Trong những ngày “khát” nước sạch ấy, người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng đã phải xếp hàng ngày đêm để lấy nước cứu trợ từ các xe téc.
Chưa hết, từ giữa tháng 9 đến nay, cư dân nội đô Hà Nội và một số nơi khác như TP.HCM, Việt Trì (Phú Thọ)... lại đón thêm quả "bom tấn" bụi mịn. Thậm chí, có thời điểm, Hà Nội còn được đánh giá là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Người dân, đặc biệt là người già, trẻ em, những đối tượng có sẵn các bệnh nền mãn tính, hô hấp được khuyến cáo nên hạn chế ra ngoài.
Trong cuộc họp chiều 19/12, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành, địa phương đã bàn về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường, không khí tại các đô thị lớn như duy trì các trạm quan trắc, phun nước giảm bụi, điều tiết giao thông, giám sát các công trình xây dựng...
Ngày 23/10, 39 thi thể được phát hiện trong một thùng container đông lạnh tại khu công nghiệp Essex (Anh). Ban đầu, căn cứ vào lời khai của tài xế xe container, cảnh sát Essex cho rằng các nạn nhân là người Trung quốc.
Tuy nhiên, khi phía Trung Quốc vào cuộc, dấy lên nghi ngờ đây là các nạn nhân của đường dây buôn người xuyên quốc gia do các băng đảng Trung Quốc cầm đầu. Cảnh sát Anh nghi ngờ rằng trong số 39 nạn nhân ấy có cả người mang quốc tịch khác. Lúc này, dư luận Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến vụ việc.
Nhưng rồi, một số gia đình tại Việt Nam bắt đầu trình báo người nhà mất tích khi trên đường sang Anh, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc, tìm hiểu thông tin, phối hợp điều tra. Dư luận dần nóng lên.
Đến ngày 7/11, dư luận bàng hoàng, choáng váng khi Bộ Công an và Bộ Ngoại giao chính thức xác nhận 39 thi thể trên đều là công dân Việt Nam. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư đến gia đình nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc. Trong thư chia buồn, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp cơ quan chức năng Anh sớm đưa các nạn nhân trở về với Tổ quốc, với gia đình, người thân.
Và đến sáng 30/11, những thi hài và tro cốt của những nạn nhân cuối cùng trong vụ việc 39 nạn nhân thiệt mạng tại hạt Essex, đông bắc London, Anh đã được đưa về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Sau sự việc, nhiều người đã lên tiếng kể về hành trình gian khó và đầy nguy hiểm họ đã trải qua khi cố gắng bằng mọi giá đi đến miền đất hứa với khát vọng đổi đời. Họ may mắn hơn 39 nạn nhân kia khi vẫn có thể sống sót trở về, nhưng những gì đã trải qua sẽ là những cơn ác mộng mãi ám ảnh trong tâm trí họ.
Đầu tháng 10/2019, trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện hình ảnh về tòa nhà 7 tầng Mã Pí Lèng Panorama, Hostel–Restaurant–Coffee xây dựng kiên cố ở hẻm vực Tu Sản, Mã Pí Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang).
Những hình ảnh này lập tức làm “dậy sóng” dư luận. Nhiều người cho rằng công trình này đang choán hết tầm nhìn, phá hoại cảnh quan hũng vĩ của một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, xâm hại di sản và coi thường pháp luật. Nhiều trang mạng, trang cá nhân đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay công trình này. Thậm chí có nhóm người còn đến tận địa điểm trên, chụp ảnh khỏa thân để phản đối công trình này. Hành động này, tất nhiên bị lên án gay gắt.
Ngày 8/10, tỉnh Hà Giang đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Sở VHTTDL, Sở Giao thông Vận tải; Sở Kế hoạch Đầu tư; Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc. Kết luận tại cuộc họp, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã đề xuất chỉnh trang, cải tạo phần công trình tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất, còn toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh, và thời hạn phá dỡ phải hoàn thành trước 15/11/2019. Bộ VH-TT-DL sau đó đã thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến công trình này.
Ngày 16/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư công trình Panorama trên đèo Mã Pí Lèng thực hiện trình và thẩm định phương án cải tạo công trình vi phạm này, thời gian hoàn thành trước ngày 25/10/2019.
Tuy nhiên, đến nay, những thời hạn trên đã qua từ lâu nhưng mọi việc vẫn rơi vào im lặng. Panorama-cái “gai bê tông” trên đỉnh Mã Pí Lèng vẫn còn nguyên.
Đặc biệt, trưa 23/12, người dân, khách du lịch có mặt tại Mã Pì Lèng bất ngờ trước việc công trình Panorama mở cửa hoạt động đón khách.
Suốt từ thời điểm TAND TP.Hồ Chí Minh chính thức thụ lý vụ án ly hôn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên) vào tháng 11/2015, rất nhiều lần phiên tòa phải hoãn hoặc hủy.
Đến đầu 2019, phiên tòa sơ thẩm mới chính thức diễn ra. Bản án được tuyên nhưng sau đó bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án. Bà xin được đoàn tụ với ông Vũ; không đồng ý quan điểm của tòa về việc chia tài sản theo tỷ lệ 6:4 và giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ. Trong khi đó, ông Vũ kháng cáo yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo tỷ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30%.
Đầu tháng 12 vừa qua, tại phiên tòa phúc thẩm do TAND Cấp cao tại TP.HCM mở, bản án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã được tuyên. Vợ chồng “vua cà phê” chính thức ly hôn. Theo đó, 4 người con giao cho bà Thảo nuôi và ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ đồng mỗi năm, tính từ 2013 cho đến khi các con học xong đại học.
Tài sản chung của 2 người được phân chia theo tỷ lệ 6:4, ông Vũ được nắm quyền điều hành ở Tập đoàn Trung Nguyên và phải thanh toán lại tiền cho bà Thảo; bà Thảo sở hữu 1.764 tỷ bao gồm vàng, tiền mặt ở các ngân hàng.
Một điểm mới của bản án phúc thẩm là tòa ghi nhận sự tự nguyện của ông Vũ trong việc giao tài sản chung của hai vợ chồng tại Công ty Trung Nguyên International (TNI) ở Singapore cho bà Thảo.
Sau khi HĐXX tuyên án, ông Vũ ngồi im lặng hết gần cả phút mới trao đổi với báo chí. Trước đó, khi đến tòa, ông chia sẻ, với cá nhân và gia đình, đây là chuyện đau đớn dù kết quả có thế nào đi nữa và nỗi sợ lớn nhất của ông là đối diện những người con. Sự chia tay của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên đã để lại không ít tiếc nuối.
Tháng 5/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Buôn lậu” và “Rửa tiền”, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và các đơn vị có liên quan. Bùi Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, bị khởi tố về cả 2 tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT khởi tố bổ sung vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Bùi Quang Huy tiếp tục bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hiện, Bùi Quang Huy đang bị truy nã trên toàn thế giới.
Đến 7/2019, việc “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản bị khởi tố nhanh chóng gây xôn xao dư luận, bởi ông Thản rất nổi tiếng trong giới bất động sản. Ông Thản bị khởi tố để điều tra về hành vi “Lừa dối khách hàng”; ông Thản được tại ngoại hầu tra.
Trước đó, nhiều người mua căn hộ tại dự án CT6C của Công ty Bemes (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội, do ông Thản đứng tên làm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật) phản ánh dự án sai quy hoạch được duyệt nên không được cấp sổ hồng. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, tội danh mà ông Thản bị khởi tố thuộc trường hợp xưa nay rất ít gặp.
Một “quả bom” khác cũng “phát nổ” vào năm 2019. Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty liên quan, đồng thời khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Công an TP.HCM xác định Luyện và Lĩnh lập ra Công ty Alibaba, sau đó mua đến 600 ha đất nông nghiệp, vẽ ra 40 dự án “ma” ở Đồng Nai, Bà Rịa–Vũng Tàu, Bình Thuận (trong khi lãnh đạo các tỉnh này khẳng định chưa ban hành bất cứ quyết định nào liên quan). Hiện, Công an TP.HCM xác định anh em Luyện đã ký hợp đồng bán đất cho hơn 6.700 người, thu về 2.650 tỉ đồng.
Trước khi bị bắt giữ, Khá “bảnh”, Quang “Rambo”, Huấn “hoa hồng”... nổi lên như một hiện tượng trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của đông đảo giới trẻ.
Tuy nhiên, với Khá “bảnh” (tức Ngô Bá Khá, SN 1993, ngụ Bắc Ninh), sự nổi tiếng không đến từ những hoạt động, hành vi mẫu mực, mà là hàng loạt những chuỗi hoạt động gây sốc, không giống ai. Những video, hình ảnh hay phát ngôn Khá đưa lên mạng xã hội đều thể hiện chân dung một “đại ca” nhiều tiền, có đông đàn em...
Mặc dù cũng kêu gọi giới trẻ xây dựng một sân chơi “sống đẹp”, nói không với bài bạc, ma túy, nhưng rồi, tháng 4/2019, Khá bị bắt, khi đó, Khá còn dương tính với ma túy. 7 tháng sau, Khá phải nhận mức án 10 năm 6 tháng tù cho 2 tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc.
4 tháng sau đó, người anh em cùng hội cùng thuyền với Khá là Quang “Rambo” (tức Đỗ Văn Quang, SN 1984, quê Vĩnh Phúc, trú tại Hà Nội) cũng bị tạm giữ hình sự để làm rõ hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Hoạt động chính của Quang là bảo kê, cho vay lãi và đòi nợ thuê. Ngoài mối quan hệ với Khá “bảnh”, Quang “Rambo” còn được biết đến qua những hình ảnh xăm trổ, đầu trọc, đeo dây chuyền, nhẫn to, khoe tiền… trên mạng xã hội để khuếch trương thanh thế.
Huấn "hoa hồng" (tức Bùi Xuân Huấn, SN 1984, quê Yên Bái) – người được biết đến trong mối quan hệ thân thiết với Khá “bảnh” và Quang “Rambo” bị công an đưa đi cai nghiện bắt buộc vào tháng 9. Công việc chính của Huấn là cho vay lãi và kinh doanh các dịch vụ từ Facebook. Trước khi bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, trang cá nhân của Huấn có hơn 300.000 lượt theo dõi và một kênh Youtube có gần 70.000 lượt đăng ký.
Cùng quê Bắc Ninh với Khá “bảnh” là Dương Minh Tuyền (SN 1986). Hiện tượng “giang hồ mạng” này cũng sa lưới pháp luật vì hành vi Gây rối trật tự công cộng khi nổ súng trong đêm vì mâu thuẫn với bạn hát. Tuyền cũng là “hot face” sở hữu hơn 700.000 lượt theo dõi chỉ nhờ các clip chửi bậy. Thậm chí nhiều người còn đặt cho Tuyền biệt danh “Thánh chửi”.
Tháng 4/2019, Phúc XO (tức Trần Ngọc Phú, SN 1983, ngụ TP.HCM) cùng 11 đồng phạm bị khởi tố về hành vi tổ chức sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Phúc XO từng nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh “người đeo nhiều vàng nhất Việt Nam” do luôn đeo trên người dây chuyền, nhẫn vàng khổng lồ, mũ lưỡi trai vàng... Ngoài ra, Phúc được cho là sở hữu dàn môtô có biển số tứ quý, lái ôtô sang mạ vàng… Tuy nhiên, làm việc với công an, Phúc cho biết những trang sức “khủng” đeo trên người chỉ là đồ giả. Dàn mô tô và cả chiếc ô tô mạ vàng cũng không thuộc sở hữu của người này.
Những video nói tục, chửi thề, hăm doạ, thị uy lẫn nhau đã tạo thành mảng nội dung xấu, kích động bạo lực ảnh hưởng không nhỏ tới người xem, đặc biệt là giới trẻ, thậm chí còn là nguy cơ tiềm ẩn của tội phạm. Chính vì vậy, sau khi mảng nội dung này trở nên phổ biến, các cơ quan chức năng và các nhà cung cấp mạng xã hội đã có những hành động quyết liệt để giải quyết tình trạng này.
Năm 2019, nhiều trường hợp phụ nữ bị sàm sỡ tại nơi công cộng đã xảy ra khiến dư luận bức xúc.
Điển hình nhất là vụ ông Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng).
Theo đó, tháng 4/2019, ông Linh đến nhà con tại một chung cư ở quận 4, TP.HCM. Khi đi cùng thang máy với một bé gái 7 tuổi, ông Linh đã ôm ghì, hôn. Sự việc được camera thang máy ghi lại. Đoạn clip này sau đó đã gây hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội. Nhiều người thậm chí còn đến tận nhà riêng của ông này để chứng tỏ sự phẫn nộ.
Vài ngày sau, Linh đến công an trình diện, khai có ôm hôn bé gái 3 lần vì thấy dễ thương, “không có ý định xâm hại”.
Tháng 8/2019, Tòa án nhân dân quận 4 đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Nguyễn Hữu Linh 18 tháng tù giam với tội danh “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Ngay sau đó, ông Linh có đơn kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 11 vừa qua đã không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Nguyễn Hữu Linh, hình phạt dành cho người đàn ông này được giữ nguyên.
Trước đó 5 tháng, vào tháng 3/2019, mạng xã hội từng xôn xao trước đoạn clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị Đ.M.H. (SN 1982, quê Hải Phòng) động chạm cơ thể, cưỡng hôn trong thang máy. Sự việc xảy ra sau khi H buông lời tán tỉnh và xin số điện thoại của cô gái trên nhưng bị từ chối. Tại cơ quan công an, H. đã thừa nhận hành vi của mình và mong muốn gặp mặt trực tiếp cô gái để xin lỗi.
Tại Tam Kỳ, Quảng Nam, khi chị P.L. đang đứng phơi đồ trước phòng trọ thì Nguyễn Thanh Th. (28 tuổi) đi xe máy ngang qua và người đàn ông này đã... đưa tay sờ vào vùng kín của chị. Lần theo biển số xe, công an đã tìm ra Th. Tại cơ quan công an, Th. thừa nhận hành vi xấu xí của mình.
Một vụ việc khác cũng được báo chí nhắc tới là vụ Nguyễn Văn P. (SN 1976, ngụ Ý Yên, Nam Định) sàm sỡ nữ sinh. Theo clip ghi lại, khi đang đi xe máy, P. bất ngờ chặn đầu xe đạp của một nữ sinh đi ngược chiều. Người đàn ông này sau đó đã dùng tay sàm sỡ vùng ngực của nữ sinh khiến nạn nhân hốt hoảng gạt tay chạy thoát.
Những vụ việc trên, ngoài trường hợp của Nguyễn Hữu Linh bị tuyên án tù, các trường hợp còn lại đều bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, tức “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này quá nhẹ so với tính chất nghiêm trọng của hành vi sàm sỡ.
Bộ Công an sau đó đã công bố dự thảo bổ sung một số điều của Nghị định 167 để lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, đề xuất phạt 3-5 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng. Phạt 2-3 triệu đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.