Bốn ngày liên tiếp Hà Nội ô nhiễm vào buổi tối, vì sao?
Ngày thứ 4 liên tiếp, cứ vào chiều tối và đêm, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng lại chìm vào ô nhiễm nghiêm trọng do tình trạng đốt rơm rạ.
Hà Nội ngày thứ 4 liên tiếp bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào buổi tối và đêm.
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong thời kỳ chất lượng không khí tốt nhất năm (tháng 5 đến tháng 8 hàng năm). Tuy nhiên, những ngày qua, cứ vào tối, chất lượng không khí Hà Nội lại giảm đột ngột.
Ví dụ vào 16h chiều ngày 2/6, vẫn có 67/74 điểm quan trắc không khí của hệ thống PAM Air ghi nhận chất lượng không khí ở mức tốt nhưng đến 23h00 đêm 2/6 có tới 40 điểm chất lượng không khí kém và 22 điểm ở mức xấu, cá biệt có những điểm đo, chất lượng không khí lên ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu- rất có hại cho sức khỏe mọi người) như điểm đo tại Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Hà Đông.
Vào 17h ngày 4/6, tất cả các điểm đô ở cac quận huyện, chất lượng không khí vẫn ở ngưỡng tốt nhưng đến 21h, hầu hết đã chuyển sang kém và xấu.
Không chỉ với nội thành Hà Nội, tình trạng cũng diễn ra tương tự tại vùng ven đô và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thậm chị các khu vực trên còn ô nhiễm hơn nội đô Hà Nội.
Theo bà Hà Hương, Quản lý dự án PAM Air, nguyên nhân của tình trạng này do hiện tượng đốt rơm rạ sau mùa gặt tại vùng ven đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Xu hướng ô nhiễm xảy ra từ chiều tối, tối đến đêm, buổi sáng thì được cải thiện. “Đây là vấn đề đến hẹn lại lên từ nhiều năm qua nhưng chưa được cải thiện”, bà Hương nói và cho biết thêm, tình trạng ô nhiễm không khí cục bộ, đột ngột tại các điểm đo thường gắn liền với hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát, trong đó có đốt rơm rạ.
Bà Hà Hương cho rằng, tình trạng này sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới nếu hoạt động đốt rơm rạ người dân tiếp tục mà không có sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Bản đồ cho thấy sự thay đổi gia tăng đột biến nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội vào tối 4/6. Nguồn: PAM Air.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch, hoạt động đốt rơm rạ đã gây hiện tượng khói mù cho các vùng lân cận. Việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra hợp chất Anđêhit và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Trước tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội từng đề xuất, cấm đốt rơm rạ trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi (vừa được trình Quốc hội).
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, quá trình dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, việc cấm đốt rơm rạ cũng được đề cập đến. Tuy nhiên, sau đó nhiều ý kiến cho rằng, quy định này không phù hợp vì nhiều hộ gia đình nông thôn vẫn dùng rơm rạ làm chất đốt trong sinh hoạt.
Ngoài ra, nhiều đề tài nghiên cứu cho thấy, rơm rạ có thể tận dụng làm nấm, phân hữu cơ. Vì vậy, dự thảo luật tạo cơ sở để các địa phương có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để người dân tận dụng rơm rạ nhằm mục đích tái chế, tái sử dụng.
Theo các chuyên gia môi trường, việc xử phạt đốt rơm rạ gây ô nhiễm khó khả thi trong thực tế. Vì vậy, trước hết cần tập trung tuyên truyền nhận thức cho người dân thấy được tác hại của việc đốt rơm rạ với chính bản thân họ. Ngoài ra, có thể thiết lập một đường dây nóng để người dân báo về khi phát hiện ra hoạt động đốt rơm rạ, đốt rác, giúp cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngày 20-1, Ứng dụng quan trắc không khí AirVisual vừa có cảnh báo về tình hình không khí tại TP HCM.
Nguồn: [Link nguồn]