Bốn lần đấu giá vẫn ế, sưa đỏ trăm tỷ “đại hạ giá”

Sự kiện: Cây sưa

Người dân thôn Phụ Chính vừa thống nhất điều chỉnh lại giá sàn hai cây sưa đỏ ở đình Phụ Chính, giảm từ 25 - 30% cho lần đấu giá sắp tới.

Lô gỗ sưa quý được người dân thôn Phụ Chính đưa ra kiểm đếm, chuẩn bị cho lần đấu giá thứ 5

Lô gỗ sưa quý được người dân thôn Phụ Chính đưa ra kiểm đếm, chuẩn bị cho lần đấu giá thứ 5

Sau bốn lần đấu giá chưa thành, người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) vừa thống nhất điều chỉnh lại giá sàn hai cây sưa đỏ ở đình Phụ Chính, giảm từ 25 - 30% cho lần đấu giá sắp tới.

Cần bán gấp để lấy tiền chi dùng cho các việc của thôn

Cuối tháng 3/2021, tại Nhà văn hóa thôn Phụ Chính, hai thùng container cất giữ hai cây sưa quý vẫn được chăng lưới thép xung quanh, có 4 ổ khóa to phòng kẻ trộm.

Kết thúc cuộc nói chuyện với một người hỏi mua sưa quý, ông Đinh Văn Lai (SN 1960, Trưởng thôn Phụ Chính) cho hay, sau khi dịch Covid-19 tạm lắng, từ Tết đến nay, hầu như ngày nào cũng có người điện thoại hỏi về số gỗ sưa quý. Có người về tận thôn để xem.

Tuy nhiên, ông Lai cho hay, các cuộc điện thoại chỉ để thăm dò giá cả, chưa có khách nào “chốt” mua hoặc tỏ ra thực sự muốn mua lô gỗ quý. “Thôn đã tổ chức họp, xin ý kiến nhân dân về giá bán hai cây sưa. Kết quả, 95% người dân thống nhất giảm giá, tiếp tục làm thủ tục bán đấu giá công khai hai cây sưa”, ông Lai cho biết.

Cũng theo ông Lai, gỗ sưa có dầu nên vẫn đảm bảo chất lượng rất tốt. Hiện, số lượng lõi gỗ sưa đã được thống kê, chia làm 4 loại: Loại 1 là 3.798kg, định giá khoảng 22 triệu đồng/kg; loại 2 là 551kg, giá khoảng 17 triệu đồng/kg; loại 3 là 659kg, giá 10 triệu đồng/kg và loại 4 là 1.525kg, giá khoảng 4,5 triệu đồng/kg. Tổng cộng giá của lô gỗ sưa xấp xỉ 100 tỷ đồng. So với mức giá đưa ra ở lần đấu giá đầu tiên (trị giá 146 tỷ đồng) đã giảm gần 30%.

“Mong muốn của bà con thôn Phụ Chính là khẩn trương bán 2 cây sưa này để lấy tiền gửi tiết kiệm, chi dùng cho các việc công của thôn như sửa chữa đình chùa…”, ông Lai thông tin.

Theo ông Lai, hiện thôn Phụ Chính đã có báo cáo gửi người dân và cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ xin tiếp tục bán đấu giá công khai hai cây sưa theo hình thức thuê Trung tâm Đấu giá, Sở Tư pháp Hà Nội thực hiện các thủ tục. Dự kiến, lần mở bán thứ 5 vào khoảng tháng 5 - 6 năm nay.

Chật vật nguồn khách mua

Tháng 1/2019, được sự chấp thuận của chính quyền sở tại, người dân thôn Phụ Chính đã tiến hành chặt hạ hai cây sưa đỏ 50 năm và 130 năm tuổi trong khuôn viên đình Phụ Chính. Theo nguyện vọng của người dân, số tiền thu được sau khi bán đấu giá lô gỗ sưa sẽ dùng để phục vụ nhiều công trình phúc lợi, trùng tu các di tích trên địa bàn.

Đã qua 4 lần đấu giá, lô gỗ sưa vẫn chưa tìm được khách mua dù sau mỗi lần đều giảm giá từ gần 150 tỷ đồng (lần 1, 2) xuống còn 138 tỷ đồng (lần 3, 4) và dự kiến khoảng 100 tỷ đồng (lần 5 sắp tới).

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Nghiệp vụ I (Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp Hà Nội) phân tích, lý do đấu giá gỗ sưa chưa thành công có thể do khách hàng cho rằng, mức giá người dân đưa ra quá cao; trong nước ít có nhu cầu mua gỗ sưa số lượng lớn, việc tiêu thụ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, thời gian qua thị trường này không thu mua gỗ sưa ồ ạt như trước.

Cho rằng thị trường trong nước không có nhu cầu gỗ sưa khối lượng lớn, theo ông Thông, chủ một xưởng gỗ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), sản phẩm từ gỗ sưa bán trong nước chỉ là những bức tượng nhỏ. Việc buôn gỗ sưa đỏ - đen như chơi canh bạc, phụ thuộc nhiều vào người Trung Quốc. Nhiều thương lái gỗ ở Việt Nam trước đây kinh doanh gỗ sưa thì nay hầu hết đã bỏ mặt hàng này vì vốn lớn, lại khó bán.

“Giá gỗ sưa cao hay thấp tùy thuộc vào thị trường và thương lái bên Trung Quốc. Có thời điểm, gỗ sưa đỏ lâu năm, nhiều lõi có thể bán giá 30 - 40 triệu đồng/kg, còn loại gỗ sưa ít năm, nhiều vỏ, cành nhỏ vẫn có giá vài trăm nghìn/kg”, ông Thông nói.

Khảo sát thị trường, giá gỗ quý nói chung như gỗ trắc, hương, cẩm... cũng trong tình trạng ế ẩm. “So với khoảng ba năm trước, giá nhiều loại gỗ quý giờ giảm trên dưới 30%. Mức giảm giá gỗ sưa như thôn Phụ Chính đưa ra ở thời điểm này cũng là thích hợp, tuy nhiên cũng không dễ tìm được người mua”, ông Thông cho hay.

Bảo vệ nghiêm ngặt lô gỗ sưa quý

Hiện, hai cây sưa đỏ 130 tuổi và 50 tuổi ở thôn Phụ Chính được chia thành 31 khúc và cất giữ toàn bộ trong một container loại 20 feet. Chiếc container sau đó được niêm phong, khóa 4 ổ khóa và hàn 2 thanh sắt chắn ngang 2 cửa, phía ngoài được vây bởi một rào thép B40 cao 2m.

Bốn ổ khóa của chiếc container này được giao cho 4 người uy tín trong thôn giữ, nếu muốn mở cửa thì phải có sự thống nhất của họ. Có 3 công an xã là người của thôn và một người chuyên trông coi nhà văn hóa cắt cử nhau bảo vệ container chứa gỗ sưa 24/24h. Thôn còn đầu tư tiền lắp đặt cả hệ thống camera giám sát nghiêm ngặt container gỗ sưa quý.

Nguồn: [Link nguồn]

Chốt ngày mở bán đấu giá cây sưa quý từng được trả giá trăm tỷ

Người dân thôn Phụ Chính vừa mới “chốt” ngày bán đấu giá cây sưa quý hơn 100 năm tuổi. Cây sưa này từng được trả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Huế ([Tên nguồn])
Cây sưa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN