"Bom nổ chậm" cạnh BV Chấn thương Chỉnh hình
Ký túc xá Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã được xây dựng trên 60 năm đang xuống cấp trầm trọng, nguy cơ gây mất an toàn cho BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM nằm sát bên.
“Con trai tôi bị gãy xương đùi, sau phẫu thuật phải điều trị nội trú tại BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Mỗi ngày tôi thường ra vô vài lần để mua các thứ cần thiết cho con. Nói thiệt là mỗi lần ngang qua tòa nhà cũ trước BV tôi đều đi thật nhanh vì sợ chẳng may có cái gì đó rớt trúng đầu” - bà Nguyễn Thị Năm (64 tuổi, ngụ Long An) cho hay.
Hiểm họa chực chờ
Tòa nhà bà Năm vừa nhắc tới chính là ký túc xá (KTX) Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (931-937 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5, TP.HCM). Không riêng bà Năm, bất kỳ ai đi ngang nơi này cũng đều có cảm giác không an toàn.
“Tôi nghe nói từng có người tử vong do mảng bê tông từ KTX rớt xuống. Bởi vậy mỗi lần đi ngang đây là tôi men theo lòng đường chớ không dám đi sát vô lề. Mong cơ quan có thẩm quyền sớm phá bỏ tòa nhà cũ này để đảm bảo an toàn cho người dân” - anh Trần Minh Hoàng (32 tuổi) nói.
Bà Năm ngước nhìn ký túc xá Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng mỗi lần đi ngang qua vì sợ bị vật gì đó rơi trúng. Ảnh: TRẦN NGỌC
Không chỉ người ngoài nhìn thấy sợ, ngay cả những người sống trong KTX cũng thường trực cảm giác bất an. “KTX này đã 60 tuổi nên xuống cấp dữ lắm, nguy cơ mất an toàn rất cao. Tôi ở mà cứ sợ nó đổ sập bất cứ lúc nào” - anh Nguyễn Trần Minh (40 tuổi, nhân viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) chia sẻ.
Cũng theo anh Minh, trong KTX cũng đã hai lần xảy ra hỏa hoạn do không đảm bảo an toàn PCCC. “Cảm giác bất an làm tôi nhiều lúc ngủ không yên, chỉ ước được chuyển chỗ ở khác” - anh Minh nói thêm.
Cần sớm di dời “bom nổ chậm”
“Nỗi lo sợ tai họa ập xuống do KTX Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng gây ra là có cơ sở” - thông tin trên được BS Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình, trình bày với đoàn khảo sát của HĐND TP.HCM khi đoàn đến làm việc tại BV vào sáng 2-11.
Theo BS Cường, KTX này hiện đã quá cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng. KTX lại nằm liền kề BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM nên vừa không đảm bảo an toàn PCCC, vừa có nguy cơ mất an toàn cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên của BV.
“Năm 2007, tấm đan bê tông từ lầu 5 KTX rơi xuống làm chết một người xe ôm đậu trước cổng số 2 của BV. Năm 2015, đoạn ống nước bằng sắt rơi từ lầu 8 KTX xuyên mái tôn xuống thẳng phòng mổ. Chưa hết, năm 2017, nước thải từ bô rác của KTX chảy sang khu vực cấp cứu và hành lang chuyển bệnh vào phòng mổ của BV gây nhiễm khuẩn” - BS Cường dẫn chứng.
Đáng chú ý là năm 2019, KTX đã hai lần xảy ra hỏa hoạn chỉ cách nhau vài ngày. Điều này gây nên nỗi lo lắng và hoang mang không chỉ cho những người sống trong KTX mà còn cho người dân xung quanh. Đặc biệt là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế của BV.
Nguy cơ vượt Quỹ BHYT
Năm 2023, BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với BHXH TP.HCM và được giao kinh phí hơn 412 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 31-8, BV đã sử dụng hết 366 tỉ đồng, dự kiến số còn lại sẽ không đảm bảo cho hoạt động khám chữa bệnh BHYT cho bốn tháng cuối năm 2023.
“BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM kiến nghị sớm di dời KTX Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng sang địa điểm mới và bàn giao mặt bằng cho BV để triển khai đầu tư mở rộng và xây dựng mới” - BS Cường kiến nghị.
BV thuộc nhóm phải giải quyết an toàn khẩn cấp
“BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM nằm trong nhóm cần được giải quyết khẩn và khẩn cấp một số vấn đề để tránh gây mất an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế” - TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh.
Theo BS Dũng, BV đề xuất mở rộng và xây dựng mới tại vị trí hiện hữu là một trong những giải pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, muốn xây dựng mới tại chỗ phải giải quyết cho được mặt bằng ở KTX Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Bởi một khi sát BV có “bom nổ chậm” thì không thể vừa xây dựng vừa đảm bảo an toàn cho mọi người.
“Để giải quyết “bom nổ chậm” này, không chỉ BV Chấn thương Chỉnh hình và Sở Y tế mà còn cần có sự phối hợp và chung tay của các sở, ngành liên quan” - BS Dũng nêu quan điểm.
BS Dũng cho biết thêm ngoài việc di dời KTX Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, BV còn đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân. Tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng bình quân 80-90 m²/giường bệnh nhưng hiện diện tích giường bệnh trung bình tại BV là 26 m², ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe của người bệnh.
“BV quá tải đến nỗi mọi người phải chen chúc, rất ngột ngạt. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP.HCM đã điều chuyển BV Truyền máu - Huyết học (201 Phạm Viết Chánh, quận 1) cho BV Chấn thương Chỉnh hình từ ngày 25-10 để khám và điều trị nội trú. Hiện BV đang sửa chữa, cải tạo cơ sở này để sớm đưa vào sử dụng” - BS Dũng cho biết.
Thời gian qua, BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã khẳng định được vị trí, vai trò, trách nhiệm trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân trong và ngoài TP.HCM liên quan đến lĩnh vực chấn thương chỉnh hình. Hiện BV gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị… Với chức trách và nhiệm vụ của HĐND TP.HCM, chúng tôi sẽ cùng với UBND TP.HCM họp bàn và đưa ra những quyết sách phù hợp để đầu tư cho sự phát triển của BV Chấn thương Chỉnh hình. Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM |
Ký túc xá Cao Thắng (quận 5, TPHCM) xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ cao xảy ra cháy nổ, mất an toàn. Đáng nói hơn, ký túc xá này nằm cạnh bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM,...
Nguồn: [Link nguồn]