Bơm chất độc vào tê giác để cảnh báo người VN
Các nhà bảo tồn đã bơm hóa chất độc hại vào sừng rất nhiều cá thể tê giác, nhằm ngăn chặn các hoạt động săn bắn bất hợp pháp và cảnh báo người tiêu thụ ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
LiveScience cho biết, một bộ phận người Việt Nam đang sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh. Tuy nhiên, trang tin khoa học hàng đầu dẫn các nghiên cứu khẳng định, sừng tê giác hoàn toàn không có giá trị y khoa. Nó được cấu thành từ chất sừng, giống với móng chân, móng tay của con người. Chính vì vậy, sừng tê giác hoàn toàn không có giá trị chữa bệnh.
Tê giác con không chịu rời xác mẹ khi mẹ bị những kẻ săn trộm hạ sát. Ảnh: Waterbergrhino.com.
Dẫu vậy, niềm tin vào tác dụng thần kỳ của sừng tê giác ở các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc và Việt Nam vô tình đẩy loài động vật này đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Do được lùng mua với giá cao ở châu Á khiến những con tê giác ở châu Phi bị săn lùng ráo riết, bất chấp nỗ lực bảo vệ của các chuyên gia bảo tồn.
Chỉ tính riêng trong năm nay, 688 con tê giác Nam Phi đã bị giết để lấy sừng. Con số này khiến năm 2013 trở thành năm tồi tệ nhất với loài tê giác, vốn đang bị đẩy tới sát mép vực tuyệt chủng. Khi các biện pháp bảo vệ không đạt được hiệu quả, người ta buộc phải tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng đối với sừng tê giác.
Theo LiveScience, Việt Nam là một trong những thị thường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất bởi khá nhiều người hiểu không đúng về giá trị thực sự của loại mặt hàng này. Những người đánh giá cao sừng tê giác coi đó là tiên dược, một món quà cao cấp hay biểu tượng của sự vương giả. Chính vì lẽ đó, các tổ chức bảo tồn đã hợp tác với chính phủ Việt Nam để khởi động chiến dịch kéo dài 3 năm, nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với giá trị thực của sừng tê giác.
Sừng tê giác không khác gì so với móng tay, móng chân của con người. Ảnh: WWF
Việc thay đổi nhận thức của người trưởng thành là một thách thức không nhỏ, chính vì vậy, kế hoạch này nhằm giáo dục nhận thức cho trẻ em về mối họa tuyệt chủng mà loài tê giác đang phải đối mặt. Cuốn sách mang tên “Tôi là con tê giác nhỏ” đã và đang được chuyển tới tay của trẻ em Hà Nội và các tỉnh thành khác.
Những người thực hiện chiến dịch hi vọng, việc giáo dục nhận thức của trẻ em sẽ tác động tích cực những người lớn trong gia đình, giúp lan truyền những kiến thức về giá trị thực của sừng tê giác. Mục tiêu cuối cùng nhằm giúp những người tin vào loại “biệt dược” sừng tê giác hiểu rằng, họ đang lãng phí tiền bạc và đẩy loài động vật này tới bước đương cùng.
Thậm chí, chương trình này còn cho biết một số sừng tê giác được tiêu thụ ở Việt Nam có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người sử dụng. Cụ thể, người ta nhắc đến nỗ lực trong tuyệt vọng của các nhà bảo tồn động vật hoang dã Nam Phi khi buộc phải bơm các loại hóa chất độc hại vào sừng tê giác. Tuy các chất độc không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con vật nhưng nó sẽ tác động xấu tới sức khỏe người sử dụng.