Bồi thường tai nạn xe máy 45 tỷ, còn 720 tỷ đi đâu?
Theo số liệu chính thức thì dường như số tiền thu được từ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy đã không được sử dụng nhiều cho bồi thường tai nạn.
Như đã thông tin, ngày 22-5, Bộ Tài chính đã tổ chức gặp gỡ một số cơ quan báo chí có quan tâm đến vấn đề bảo hiểm xe máy (BHXM). Ở cuộc gặp này, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã thông tin một số vấn đề mà công luận quan tâm, nhất là đối với BHXM và bồi thường tai nạn xe máy.
Gấp nên không chuẩn bị được số liệu?
Sở dĩ có cuộc gặp này là vì từ khi CSGT toàn quốc ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội ngày 15-5, đã có nhiều ý kiến khác nhau từ công luận. Những người đi xe máy đã bị xử lý vì nhiều lỗi vi phạm, trong đó có lỗi không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới theo luật định.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính chủ trì cuộc gặp báo chí về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới ngày 22-5. Ảnh: Chân Luận
Tại cuộc gặp ngày 22-5, sau khi thông tin cơ bản về tình hình triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó có BHXM, Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh nhận được nhiều câu hỏi từ báo giới. Hầu hết các câu hỏi đều tập trung vào thực trạng bồi thường bảo hiểm tai nạn xe máy và sự minh bạch trong số liệu của loại bảo hiểm này.
Đáng chú ý, doanh thu từ bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe máy và số tiền bồi thường đã không được Cục Giám sát, quản lý bảo hiểm đưa ra ngay tại cuộc gặp. Đại diện Bộ Tài chính lúc đó giải thích do cuộc gặp này được tiến hành gấp gáp, tối 21-5 mới có chương trình.
Đến 20 giờ ngày 22-5, Bộ Tài chính mới phát đi thông tin cho báo chí bản tổng hợp ngắn gọn về số liệu bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe cơ giới. Theo đó, trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thì tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tính: 3.590 tỷ đồng, trong đó xe máy chiếm khoảng 765 tỷ đồng.
Số tiền bồi thường bảo hiểm (chưa tính dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định) ước tính: 972 tỷ đồng, trong đó, xe máy là 45 tỷ đồng.
Dĩ nhiên, đây mới chỉ là con số ước tính và chưa hề có một con số thống kê cụ thể. Thông báo từ Bộ Tài chính cũng cho hay: hoa hồng BHXM chiếm 20% doanh thu, tức là ước tính chiếm khoảng 153 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các chi phí kinh doanh trực tiếp, chi phí quản lý doanh nghiệp. Nếu theo Nghị định 103/2008 thì các DNBH còn phải nộp 2% doanh thu về cho Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Trách nhiệm của Bộ Tài chính ở đâu?
Tại cuộc gặp nói trên, PV đặt vấn đề: Nếu ngay cả số liệu về bảo hiểm TNDS xe cơ giới mà Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm còn không nắm được thì Cục dựa vào cở nào để “quản lý và giám sát” bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới? Câu hỏi này được giải thích rằng: chức năng của Cục chỉ tập trung vào mặt quản lý nhà nước và tham mưu chính sách liên quan đến bảo hiểm.
Tuy vậy, khi trả lời về việc tham mưu chính sách, Cục trưởng Phùng Quốc Khánh cho hay: trong tháng 5-2020, sẽ có dự thảo sửa đổi Nghị định 103/2008 về bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với chủ xe cơ giới. Ông Phùng Quốc Khánh nói việc sửa đổi Nghị định này nhằm mục đích làm sao cung cấp dịch vụ tiện lợi, ứng dụng thương mại điện tử và nâng cao mức hỗ trợ nhân đạo, cụ thể hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm.
Buổi gặp gỡ báo chí của Bộ Tài chính ngày 22-5. Ảnh: Chân Luận
Ông Phùng Quốc Khánh cũng cho rằng: Nghị định 103 chưa quy trách nhiệm cho các DNBH phải xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) bảo hiểm TNDS đối với chủ xe cơ giới. Điều ông Cục trưởng Phùng Quốc Khánh nói trên đây dường như không đúng với Nghị định 103/2008.
Bởi theo điều 5 của Nghị định thì Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, hướng dẫn Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các DNBH triển khai xây dựng CSDL về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Và cũng chính Nghị định này nói, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, đơn vị mà các DNBH phải nộp về 2% doanh thu, phải “Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới”.
Nghị định còn nói rõ: CSDL được xây dựng nhằm “thống kê, cập nhật và hệ thống hóa toàn bộ thông tin liên quan đến xe cơ giới và chủ xe cơ giới tham gia giao thông và tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới; phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, hoạt động của DNBH và sự giám sát của nhân dân”.
Nếu Bộ Tài chính nói chung và Cục Giám sát, quản lý bảo hiểm nói riêng làm đúng Nghị định 103/2008 về xây dựng CSDL bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới thì có lẽ những “lùm xùm” về BHXM đã không ồn ào như những ngày qua.
Nguồn: [Link nguồn]
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy trong năm 2019 là 765 tỉ đồng,...