Bóc mẽ công nghệ làm giả sừng tê giác

Sừng tê giác được nhiều người đồn thổi có thể chữa được bách bệnh từ giải độc sau mỗi cuộc rượu say mềm người, tăng cường “bản lĩnh” đàn ông đến chữa những bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối. Chính vì thế, sừng tê giác đang là thứ đắt hơn vàng với giá lên tới hơn 100 triệu đồng/100gr.

Thế nhưng, những “đại gia” sẵn lòng chi ra số tiền khổng lồ này tới đây có lẽ sẽ phải “suy nghĩ lại”, nhất là sau khi được Tiến sỹ Đặng Tất Thế, chuyên gia giám định kỹ thuật phân tử AND duy nhất được đào tạo từ Mỹ tiết lộ sự thật gây “sốc” về công nghệ biến sừng bò, nhựa… thành sừng tê giác giá bạc tỷ của những kẻ làm giả.
 
90% sừng tê giác tại Việt Nam giả mạo

Khi chúng tôi đề nghị được chụp ảnh thì TS Thế thật tình cho biết: Ông sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm mình có được và cung cấp địa chỉ để ai cần ông có thể giúp giám định. Tuy nhiên, ông không muốn đưa ảnh mình lên báo vì sợ bọn chuyên làm giả sừng tê giác trả thù!

Kinh tế khủng hoảng, nhưng công dụng đồn thổi chữa bách bệnh của sừng tê giác khiến nó vẫn trở thành món hàng bị săn lùng, bất chấp 100gr sừng tê có giá lên đến cả trăm triệu. Một người bạn của tôi từng mua thứ hàng “quốc cấm” này nói rằng, chẳng hề khó để mua từ sừng tê giác đến dụng cụ mài. Chỉ cần bắt mối, sau một cuộc điện thoại là hàng đã sẵn sàng. Sừng tê giác, bây giờ giống như thứ “thượng phẩm” mà nhiều đại gia thích (hoặc phải) có để phòng thân hay giải quyết khâu oai cùng đối tác.

Đem chuyện mua sừng tê giác dễ dàng chia sẻ với một cán bộ cảnh sát điều tra của Công an thành phố Hà Nội, anh cười xót xa: “Tôi không hiểu vì sao, các đại gia của ta đã dày dạn kinh nghiệm trường đời, mánh lới làm ăn mà lại dễ dàng bị tụi lừa đảo tép riu nhất qua mặt một cách dễ dàng”. Anh cho biết hiện nay ở trên thị trường hầu hết là sừng tê giác là giả. Hàng thật chỉ có được khi ở mua của bọn… buôn lậu từ châu Phi nhưng rất hiếm và khó mua. Giá của loại này trên thị trường đắt hơn cả ma túy, vàng nên bọn làm giả sừng tê không ngừng nâng cao công nghệ làm nhái. Nó tinh vi đến từng chi tiết nhỏ như màu, độ dày của lông, các vết lồi lõm... Nếu không “vào tay” chuyên gia thì rất khó phát hiện.

Bóc mẽ công nghệ làm giả sừng tê giác - 1

Chiếc sừng tê giác giả do tiến sỹ Thế cung cấp

Tháng 11/2012, Hải quan sân bay Nội Bài đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 7 chiếc sừng tê giác châu Phi còn tươi nguyên chiếc. Là hàng cấm có giá trị cao nên đường dây buôn lậu sừng tê giác có những nguyên tắc mà người lạ không thể tiếp xúc được. Nếu không có đường dây mang tính quốc tế thì 7 chiếc sừng tê to tướng không thể lọt lên máy bay từ châu Phi, qua các quốc gia khác để đến Việt Nam như vậy. Thông thường đường dây buôn lậu sừng tê giác hoạt động trên phạm vi rất rộng, qua đường hàng không hoặc quá cảnh qua các nước khác rồi vào Việt Nam qua đường bộ.

Nhưng cho dù sừng tê giả có làm tinh vi đến đâu, thì khi bị phát hiện cũng không thể qua mắt vị chuyên gia duy nhất được đào tạo ở Mỹ về kỹ thuật giám định phân tử ADN (giám định gen) đối với động vật hoang dã từ những năm 1998-1999.

Ông là Tiến sỹ Đặng Tất Thế - Trưởng phòng Hệ thống học phân tử và di truyền bảo tồn, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Số người giám định động vật hoang dã bằng công nghệ giám định gene trên toàn quốc khá hiếm hoi nên ông luôn được các cán bộ điều tra phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã đặt cho biệt danh "tài sản quý của quốc gia" cần được… bảo tồn. 

Ông là người thường xuyên đi giám định gene động vật hoang dã được các cơ quan công an bắt giữ của đối tượng buôn lậu. Suốt nhiều năm, ông nhận thấy, hầu hết sừng tê giác là giả. Còn công nghệ làm giả, thì tinh vi đến nỗi chỉ những chuyên gia như ông mới không bị qua mắt.

Muôn trò “phù phép” sừng tê giác giả

Với các chuyên gia, bằng mắt thường cũng có thể phân biệt sản phẩm giả và thật, nhưng người thường thì khó nhận ra. Bởi sừng tê giác không mấy ai được nhìn thấy nên trước đây, bọn làm giả thường lấy sừng trâu nước để “chế biến”.

Tuy nhiên nếu có kinh nghiệm thì có thể phân biệt được thật giả bằng mắt thường. Ví dụ, thớ sừng tê giác to hơn với sợi thô hơn sợi trên sừng trâu, bò. Nếu tinh mắt có thể nhận thấy sừng trâu bò có nguồn gốc từ sọ nên khi để khô thường có vết nứt đồng tâm giống như vòng tròn tăng trưởng phía trong, còn sừng tê giác không có dấu hiệu này.

Tuy nhiên, để che mắt người mua, những kẻ làm giả thường bôi dầu, sáp lên sừng trâu, bò để chống nứt. Gốc sừng tê giác có lông cứng như lông bàn chải, nên những kẻ làm giả lấy lông của loài khác rồi dính vào. Cấu tạo sừng trâu, bò ở giữa có lõi trắng. Các đối tượng làm giả liền "khắc phục" bằng cách nhuộm đen đều…

Cũng có khi, thủ đoạn làm giả của các đối tượng rất quái chiêu. Chúng sử dụng phần gốc sừng là đồ thật, có da và lông phủ, sau đó mài giũa, ghép phần ngọn là sừng trâu. Phần ghép nối được khéo léo che giấu bằng cách phủ một mảng da và lông thật lên trên. Với thủ đoạn này thì ngay cả những tay buôn "có nghề" cũng dễ bị lừa chứ đừng nói đến người chưa nhìn thấy sừng tê giác bao giờ.

Ngoài ra, vị tiến sỹ này cũng từng phát hiện ra một số trường hợp làm giả bằng chất tổng hợp và bằng… tóc người. Chiếc sừng tê này đạt đến độ tinh vi đến mức nhìn mắt thường, chuyên gia cũng không thể phân biệt được. Xem xét tất cả các mặt cắt thì chiếc sừng này có đặc điểm, màu sắc và kết cấu giống hệt sừng tê giác thật.

Tuy nhiên khi thực hiện quy trình giải mã gene, máy đọc lại báo kết quả là gene người. Cũng có khi, chúng quái chiêu đến độ dùng phần gốc là sừng thật sau đó mài giũa và ghép với phần ngọn là sừng trâu. Phần ghép nối được khéo léo che giấu bằng cách phủ một mảng da và lông thật lên trên. Với thủ đoạn này thì ngay cả những tay buôn "có nghề" cũng bị lừa “dễ như bỡn”.

Trong các phương pháp thì làm giả từ sừng trâu bò vẫn hay được bọn xấu thực hiện bởi làm giả từ tóc hay chất tổng hợp phải sử dụng công nghệ khó và dễ bị phát hiện. Sừng tê giác cùng chất với tóc người, đốt lên có mùi cháy khét, trong khi các chất tổng hợp đốt lên có mùi nhựa. Về mặt hình thái, chế tác từ sừng trâu bò cũng dễ hơn rất nhiều. “Thời kỳ trước đây, bọn làm giả thường sử dụng sừng trâu nước nhưng nay chủ yếu là bò châu Phi. Làm từ sừng trâu nước thì nhiều người Việt Nam có thể nhận ra được nhưng làm từ sừng bò châu Phi thì quá khó để phát hiện. Chóp sừng của loài bò này giống sừng tê giác. Những tay buôn lậu không cần phải chế tác mà cứ cắt nguyên sừng của bò châu Phi đi lừa vẫn “ăn tiền”. Bởi từ màu sắc, vân… rất giống với sừng tê giác”, tiến sỹ Thế cho biết.

TS Thế cho biết, đội ngũ làm giả này ở Việt Nam cũng không hiếm. Một người bạn của TS Thế ở TP. HCM chuyên nhập sừng từ nước ngoài về để làm thủ công mỹ nghệ kể rằng: Mỗi lần hàng về thì có khá nhiều đến để nhặt và mua lại những chiếc giống sừng tê giác. Khi hỏi, có người còn nói tránh nhưng cũng có người thẳng chọn mua về để làm sừng tê giác. Mỗi chuyến hàng về họ nhặt cả mấy tạ, mỗi năm cũng tới vài tấn sừng. Thế mới biết, sừng tê giác giả trên thị trường chợ đen nhiều như thế nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiền Mai (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN