Bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID tại sân bay, số người đi lại vọt tăng
Sau khi Bộ Y tế yêu cầu các địa phương bỏ quy định cách ly với người về từ tỉnh, thành khác, nhu cầu đi lại của người dân đã tăng mạnh, đặc biệt là ở TPHCM và Hà Nội. Một số chuyến bay hết vé, nhiều khách đã chuyển sang đi tàu.
Hà Nội: kêu gọi dân không đến sân bay sớm
Chị Nguyễn Thị Hồng (quê ở Huế) cho biết, sau khi biết Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương thống nhất biện pháp giám sát y tế với người về quê, trong đó có bỏ yêu cầu cách ly y tế, chị ra ngay ga Hà Nội mua vé tàu cho cả nhà. Theo chị Hồng, chị chọn đi tàu vì được mua vé nguyên khoang để cả nhà ngồi cùng nhau, đảm bảo hạn chế tiếp xúc, không phải ngồi chung đông người như đi máy bay hay xe khách.
Lãnh đạo ngành Đường sắt cho biết, giai đoạn Tết Nguyên đán (từ ngày 20/1), đường sắt khai thác 8 đoàn tàu Thống nhất (tàu Bắc - Nam), phía Bắc chạy thêm các tàu đoạn Hà Nội - Lào Cai/Yên Bái/Hải Phòng/Vinh, phía Nam chạy thêm các tàu TPHCM - Đà Nẵng/Nha Trang/Phan Thiết…
Sân bay Nội Bài đông khách trong những ngày cận Tết. Ảnh: Phạm Thanh
Tới nay, tàu Thống Nhất bán được 55.159 vé. Trước Tết, chiều đông khách (từ Nam ra Bắc) vẫn còn hơn 4.700 vé, sau Tết từ Bắc vào Nam còn hơn 12.100 vé.
Một lãnh đạo ngành đường sắt cho biết, trước Tết, khách mua vé tàu chủ yếu ở khu vực từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai trở vào. Cận Tết, giá vé máy bay tăng cao, nên nhiều khách đổi sang đi tàu, tập trung các chặng TPHCM - Nghệ An/Thanh Hoá.
Để tạo thuận lợi cho khách đi máy bay dịp Tết, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khuyến cáo hành khách: Cần khai báo y tế trước khi tới sân bay, chấp hành nghiêm túc thông điệp 5K; Hành khách nên làm thủ tục lên máy bay (check-in) trực tuyến và ra thẳng khu vực kiểm tra an ninh; quá trình chờ kiểm tra an ninh nếu thấy khả năng trễ chuyến có thể liên hệ nhân viên mặt đất hoặc nhân viên hãng bay để được hỗ trợ. |
Khảo sát số vé đã bán của đường sắt và hàng không cho thấy, từ 23 đến 29/1 (tức từ 21 tới 27 tháng Chạp) số vé bán được nhiều nhất, có ngày tàu chỉ còn 100-200 vé.
Sân bay đông khách nhưng chỉ bằng nửa Tết trước
Với hàng không, nhiều chuyến bay giờ đẹp hết vé, số vé còn lại giá khá cao. Thực tế này được lý giải là do người dân lo ngại các biện pháp phòng chống dịch ở quê nhà nên về sớm để chấp hành cách ly. Cùng với đó, sau khi Bộ GTVT bỏ quy định xét nghiệm với tất cả khách từ vùng 3 (vùng cam) trở xuống, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không cách ly người về quê, nhu cầu đi lại Tết của người dân đã tăng mạnh.
Ngày 25/1, khảo sát trang bán vé của các hãng hàng không nội địa cho thấy, đã xuất hiện hiện tượng hết vé 1 số chuyến bay giờ đẹp, cho những chặng bay từ TPHCM đi các tỉnh phía Bắc. Cụ thể, giai đoạn từ nay tới 30/1, chặng từ TPHCM - Hà Nội một số chuyến bay của Vietjet báo hết vé, các chuyến còn vé hoặc các hãng khác đều còn nhiều vé, với giá chỉ khoảng 2 triệu đồng/chiều. Tình trạng hết vé, hoặc chỉ còn vé giá cao trên các chặng bay từ TPHCM đi Thanh Hoá, Vinh (Nghệ An), Hải Phòng…
Trên các đường bay này, Vietnam Airlines chỉ còn vé có giá từ 3 đến 3,5 triệu đồng trở lên, thậm chí nhiều chuyến chỉ còn vé hạng thương gia giá trên 6 triệu đồng, tương tự với Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines.
Đặc biệt, vào ngày mồng 2, mồng 3 Tết, vé chặng Hà Nội đi Phú Quốc, Nha Trang cũng được nhiều người đặt mua nên giá vé còn lại khá cao, Vietjet giá từ 2 triệu đồng trở lên, còn Vietnam Airlines giá 3,4 triệu đồng trở lên, dù ở những chặng này đã được các hãng tăng cường thêm nhiều chuyến bay.
Còn theo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trung bình 1 tuần qua, sân bay này có gần 300 lượt chuyến bay cất/hạ cánh, với lượng khách bình quân 26.000 người/ngày. Ngày cao điểm nhất cũng chỉ có khoảng 33.000 lượt khách, chưa bằng phân nửa lượng khách đi lại dịp Tết trước.
Những ngày gần đây, sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội) đã có hiện tượng ùn ứ khách vào một số khung giờ cao điểm ban ngày. Theo Cục Hàng không, dịp Tết năm nay, các hãng hàng không nội địa bán ra trên 2,8 triệu ghế, tăng 7% so với Tết trước.
Tuy nhiên, thực tế một số ngày vừa qua, các hãng khai thác số chuyến bay thấp hơn năng lực cung ứng của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Nguyên nhân gây ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất 3 ngày qua, theo Cục Hàng không là khách chưa biết thông tin bỏ kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 trước chuyến bay nên nhiều người tới sân bay sớm; trời tại Hà Nội sương mù nên một số chuyến bay phải lùi giờ cất cánh.
Cục Hàng không đã yêu cầu các đơn vị phục vụ mặt đất, hãng hàng không tăng cường nhân lực, máy móc, bố trí thêm khu vực chờ cho khách. Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng kiến nghị Bộ GTVT chuyển một số chuyến bay trong khung giờ cao điểm ngày sang khai thác giờ đêm; khuyến cáo khách không nên tới sân bay quá sớm để giảm số khách chờ đợi tại sân bay.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 lượng khách tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng cao, để thuận lợi cho hành khách,...
Nguồn: [Link nguồn]