Bộ Y tế yêu cầu xác minh vụ "cô" Phú giẫm chân chữa bệnh

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Thái Nguyên xác minh việc hành nghề của “Cô Phú Bồ Tát” giẫm lên người để chữa bách bệnh.

Những ngày qua, nhiều người bất ngờ khi chứng kiến những hình ảnh nam, nữ cởi áo, kéo quần để bà Phạm Thị Phú (TP. Sông Công, Thái Nguyên) giẫm lên người nhằm chữa bệnh.

Cách điều trị kỳ lạ này đã được bà Phú thực hiện từ lâu. Nhiều người đã ca tụng bà Phú là “Thần y Phố Cò”, thậm chí gần đây trên mạng xã hội còn có người gọi bà là “Cô Phú Bồ Tát”.

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cũng cho biết, vừa qua tại nhiều diễn đàn chia sẻ ảnh hàng trăm người nằm xếp hàng để được bà Phạm Thị Phú giẫm lên người để chữa bệnh. Người này tự nhận có thể chữa đủ thứ bệnh kể cả ung thư, tâm thần, lở loét...

Bộ Y tế yêu cầu xác minh vụ "cô" Phú giẫm chân chữa bệnh - 1

Việc giẫm đạp lên người bệnh được bà Phú lý giải là phương pháp truyền năng lượng vào cơ thể người bệnh (Ảnh cộng đồng mạng chia sẻ).

Trước thông tin này, ngày 15.9, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên vào cuộc, xác minh việc hành nghề của bà Phạm Thị Phú để trả lời dư luận.

“Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền yêu cầu Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên khẩn trương kiểm tra, xác minh việc hành nghề của bà Phú để trả trả lời cho dư luận và xử lý theo quy định hiện hành, báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 30.9”, ông Nguyễn Hoàng Sơn cho hay.

Đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Bộ Y tế cũng khẳng định, vụ “Cô Phú Bồ Tát” chữa bách bệnh không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại ở thị xã Sông Công, Thái Nguyên từ nhiều năm trước đó. Bộ từng cử đoàn công tác làm việc với Sở Y tế Thái Nguyên về hiện tượng này.

“Quan điểm của Bộ Y tế là trong dân gian có những phương pháp có thể có tác dụng, nhưng tác dụng với cái gì, với bệnh nào, với giai đoạn nào, chống chỉ định cái gì, tác dụng phụ gì… thì phải trả lời bằng nghiên cứu”, đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho hay.

Cũng theo Bộ Y tế, về nguyên tắc, mọi phương pháp chữa bệnh đều phải đảm bảo an toàn, hiệu quả. Việc giám sát các hoạt động khám chữa bệnh ở địa phương trước hết thuộc về chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động về khám chữa bệnh trên địa bàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN