Bộ Y tế tham vấn chuyên gia về nồng độ cồn nội sinh
Cục Quản lý khám chữa bệnh và một số đơn vị được Bộ Y tế giao tham vấn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia về tình huống nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đang tham vấn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ sở khám chữa bệnh và các nhà chuyên môn về nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể người, còn gọi là cồn nội sinh.
Không sử dụng rượu, bia liệu có phát hiện nồng độ cồn trong cơ thể hay không?
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng giao Vụ Pháp chế phối hợp với một số đơn vị thuộc bộ nghiên cứu các nội dung liên quan quy định nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.
Không uống rượu bia vẫn có cồn trong hơi thở
Trước đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.
Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: Nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
"Thời gian qua cũng có một số ý kiến lo ngại về quy định hiện hành về nồng độ cồn với người lái xe là 0, trong khi có một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh, hoặc nồng độ cồn phát sinh sau ăn một số loại thực phẩm thông thường, kể cả trái cây, thuốc, thức ăn lên men, sản phẩm chứa cồn... nên Bộ Y tế đang hỏi ý kiến về tình huống này"- một chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ.
Khi có ý kiến của WHO và các chuyên gia về cồn nội sinh, Bộ Y tế sẽ có những kiến nghị sửa đổi phù hợp.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khẳng định tất cả trường hợp cồn nội sinh là người bị bệnh, phổ biến là người bị bệnh cấu trúc đường tiêu hóa, như phẫu thuật, bệnh lý đường tiêu hóa, đường mật, loạn khuẩn ở đường tiêu hóa, xơ gan, đái tháo đường... Người khỏe mạnh không có hiện tượng này.
"Người dân không phải quá lo lắng, bởi những người bị bệnh như vậy có cồn nội sinh rất ít, hãn hữu. Nghĩa là tỉ lệ người có hiện tượng cồn nội sinh trong cộng đồng là rất thấp"- chuyên gia này nói.
Không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nồng độ cồn bằng 0 đối với người lái ôtô, với người lái xe máy là không quá 0,05 mg/100 ml khí thở. Khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia và có hiệu lực giữa năm 2019, quy định này được giữ nguyên.
Kiểm tra nồng độ cồn tại vòng xoay Trần Não (phường An Khánh, TP Thủ Đức). Ảnh: Ý Linh
Tại mục 60 trong Quyết định số 320 ngày 23-1-2014 của Bộ trưởng Y tế có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu.
Theo đó, tại điểm 4 "nhận định kết quả" có ghi: Trị số thường: dưới 10,9 mmol/lít (tương đương 50 mg/100 ml); Ethanol từ 10,9 - 21,7 mmol/lít: biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén; nồng độ 21,7 mmol/lít: biểu hiện ức chế thần kinh trung ương; nồng độ 86,8 mmol/lít: có thể gây nguy hại cho tính mạng.
Đại diện Bộ Y tế cho biết nội dung trên tại quyết định số 320/QĐ-BYT là sự phân loại về chuyên môn y tế các mức, ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cho phép trong máu có nồng độ cồn dưới 0,5 mg/ml (dưới 10,9 mmol/lít) được coi là cồn tự nhiên trong cơ thể.
Hiện các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét lần đầu đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Liên quan các hành vi bị cấm tại khoản 1, điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Ngoài một số ý kiến băn khoăn về nồng độ cồn nội sinh thì nhiều ý kiến đồng tình với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn (tức là nồng độ cồn bằng 0) với tài xế.
Nguồn: [Link nguồn]
Qua theo dõi, thống kê tình hình xử lý vi phạm giao thông, Công an TP HCM nhận thấy người dân thành phố đã dần hình thành thói quen, văn hóa giao thông "đã uống rượu, bia – không lái xe".