Bộ Y tế nói gì về việc sau ăn trái cây hơi thở có nồng độ cồn?

Sự kiện: Tin ngắn

Trước những lo lắng của người dân về việc sử dụng một số loại trái cây như sầu riêng, nho... khiến hơi thở có nồng độ cồn, đại diện cơ quan cảnh sát giao thông khẳng định sẽ có những cách thức để xác định có liên quan đến uống rượu bia hay không.

Bộ Y tế cho biết chịu nhiều áp lực khi ban hành Luật phòng chống tác tại của rượu bia

Bộ Y tế cho biết chịu nhiều áp lực khi ban hành Luật phòng chống tác tại của rượu bia

Sáng 16-10, trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị triển khai Luật phòng chống tác hại của rượu bia, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết thời gian gầy đây có nhiều thông tin lo ngại rằng việc sử dụng một số loại trái cây như sầu riêng, nho... cũng dẫn tới kết quả nồng độ cồn. Điều này có thể gây nhầm lẫn trong việc xử phạt người tham gia giao thông khi mà từ ngày 1-1-2020 tới đây quy định cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.

Tuy nhiên, bà Trang cho rằng trong các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể. "Sau này, trong quá trình thông, giáo dục, truyền thông thực hiện luật, chúng tôi sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng biết để với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt. Chúng tôi sẽ tuyên truyền cho cả người dân và lực lượng chức năng để có thể xử lý các tình huống cho phù hợp"- bà Trang nói.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, giải thích về việc ăn trái cây khiến hơi thở có nồng độ cồn

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, giải thích về việc ăn trái cây khiến hơi thở có nồng độ cồn

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết Luật phòng chống tác hại của rượu bia là căn cứ cao nhất để các cơ quan chức năng thực hiện. Trên thực tế có những tình huống như ăn trái cây (sầu riêng...) mà hơi thở có nồng độ cồn thì vẫn có thể xử lý được vì cồn lưu lại không lâu. Hơn nữa, trong quá trình phát hiện xử phạt cảnh sát giao thông có hai hình thức đo nồng độ cồn đó là đo nồng độ trong hơi thở và thứ 2 là xét nghiệm máu để đo nồng độ cồn. "Trong quá trình lập biên bản, người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Nếu chưa rõ ràng, người vi phạm giao thông sẽ được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác"- ông Nhật chia sẻ.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chính thức có hiệu lực. Theo quy định hiện hành cho phép người điều khiển xe máy có nồng độ cồn từ 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở trở xuống. Luật cũng cấm hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

Ngoài ra, Bộ Y tế đang trong quá trình xin ý kiến về việc mở rộng địa điểm những nơi cấm bán và sử dụng rượu bia như công viên, nhà chờ xe buýt, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc... để quy định trong Nghị định thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhiều áp lực khi ban hành luật

Với tư cách là Trưởng Ban soạn thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ để luật này được thông qua, cơ quan soạn thảo chịu rất nhiều áp lực. "Mất 7 năm Bộ Y tế mới ban hành được luật này và là một trong những luật gặp nhiều khó khăn khi ban hành do xung đột quyền lợi giữa những nhà làm luật với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia và những cá nhân khác. Thế nhưng, quan điểm của Bộ Y tế và Quốc hội là muốn bảo vệ lợi ích và sức khoẻ của người dân. Để Luật này được ban hành tôi xin cảm ơn Quốc hội, các Bộ ban ngành, các địa phương đã đồng hành để luật được ra đời. Hy vọng luật sớm đi vào cuộc sống để sức khoẻ người dân tốt hơn"- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

TP.HCM: Bị kiểm tra nồng độ cồn, tài xế ô tô tông thẳng vào xe của CSGT

Được yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, tài xế ô tô không chấp hành hiệu lệnh bỏ chạy rồi tông thẳng vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Dung ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN