Bộ Y tế: “Không công bố không có nghĩa là không có dịch”

Sự kiện: Dịch sởi

“Bộ Y tế không công bố dịch sởi không có nghĩa là không có dịch. Thực chất dịch sởi đã và đang diễn ra”.

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định như vậy tại cuộc họp báo về tình hình dịch sởi do Bộ Y tế tổ chức hôm nay (18/4).

Phát biểu này của ông Long được đưa ra trong bối cảnh trước đó có ý kiến dư luận cho rằng, Bộ Y tế đã giấu dịch.

Theo ông Long, ngay từ khi dịch sởi, công hay không công bố, Bộ Y tế vẫn tìm các biện pháp chuyên môn để khống chế bệnh sởi. Đến thời điểm này, tất cả những công điện, thông báo đều nói có dịch sởi.

Ngay sau khi phát hiện có ca sởi ở 3 tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái), Bộ Y tế đã tổ chức chống dịch, đề nghị dập tắt dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ ở các địa phương.

Ông Long khẳng định, dù công bố hay không công bố thì hiện nay Việt Nam đã và đang có dịch sởi. “Bộ Y tế không công bố dịch sởi không có nghĩa là không có dịch. Thực chất dịch sởi đã và đang diễn ra”, ông Long nói.

Bộ Y tế: “Không công bố không có nghĩa là không có dịch” - 1

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thanh Long nói: Bộ Y tế không công bố dịch sởi không có nghĩa là không có dịch

Ông Long cho biết, sởi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Sởi rất đáng lo ngại nhưng một trong những nguyên nhân gây tử vong là do virus và trẻ chưa được tiêm vắc xin.

Theo ông Long, các chủng vi rút sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng vi rút trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực.

Hiện tại nhiều nước không gọi công bố dịch nữa mà dùng từ thông báo dịch. Nếu dịch bệnh diễn ra, quốc gia không thể kiểm soát được sẽ là thông báo tình trạng khẩn cấp hoặc công bố dịch. Khi đó sẽ áp dụng các biện pháp hành chính chặt chẽ như đóng cửa trường học, hạn chế họp chợ, giao thông, cưỡng chế và cách ly.

Ông Long khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Để phòng, chống bệnh sởi, cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, người dân không nên nghe theo lời đồn thổi như tắm  hạt mùi để phòng sởi, vì không hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN