Bộ Y tế không cho báo chí dự công bố thanh tra VN Pharma
Khoảng 9h ngày 26/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố quyết định thanh tra về việc cấp phép nhập thuốc cho Công ty Cổ phần VN Pharma tại Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều phóng viên bị đại diện Bộ Y tế mời ra ngoài, trong khi đó đại diện TTCP lại mời vào.
Ngay sau khi bị mời ra ngoài, PV Tiền Phong đã gọi điện cho ông Nguyễn Minh Mẫn, Vụ trưởng Vụ III, TTCP về sự việc này. Ông Mẫn khẳng định, không có việc cấm phóng viên khi công bố kết luận thanh tra, đây là việc làm công khai và phóng viên được phỏng vấn đoàn thanh tra. Khi công bố kết luận thanh tra xong, phóng viên mới phải rời hội trường, ông Mẫn nói.
Ông Nguyễn Minh Mẫn cũng cho biết, TTCP thành lập 2 đoàn thanh tra để thanh tra Bộ Y tế. Điều đáng nói, cả 2 đoàn thanh tra đều trực thuộc Vụ 3 do ông Nguyễn Minh Mẫn làm quyền Vụ trưởng. Ông Mẫn đặt câu hỏi đối với lãnh đạo TTCP, nguyên do gì mà làm 2 đoàn thanh tra cùng vụ III phụ trách?
Theo vị đại diện Bộ Y tế, theo yêu cầu của đoàn thanh tra nên mời các phóng viên ra ngoài phòng họp. Khi nào có kết luận của đoàn thanh tra, Bộ Y tế sẽ cung cấp đến các cơ quan báo chí.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với 7 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma trước khi xảy ra vụ án.
Hạn định dành cho cơ quan thanh tra để làm rõ những nội dung yêu cầu là trong vòng 4 tháng. Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 31/12/2017.
Quyết định thanh tra của TTCP.
Một tuần trước, trong cuộc họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thuốc điều trị ung thư H – Capita của VN Pharma qua được các khâu kiểm soát để được cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc tại Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Y tế gửi tới lãnh đạo Chính phủ khi đó được xác định chưa làm rõ những nội dung về trách nhiệm của Cục quản lý dược, của Bộ Y tế cũng như các đơn vị liên quan. Thông tin đưa ra không khác thông cáo báo chí Bộ này ban hành trước đó.
Cụ thể, báo cáo này chỉ khẳng định Bộ Y tế, Cục quản lý Dược đã làm đúng quy trình, không ưu ái cho VN Pharma. Sau khi kiểm nghiệm, cấp phép nhập khẩu và cấp đăng ký lưu hành thuốc cho H-Capita, cơ quan quản lý mới đặt nghi vấn vì giá thuốc công bố và giá thuốc VN Pharma trúng thầu cung cấp cho các bệnh viện thấp hơn hẳn các loại thuốc cùng loại do các nước khác cũng như do chính Canada bán ra. H-Capita khi đó mới được tạm ngừng đưa ra thị trường.
Vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra sau đó với nhiều giấy tờ cung cấp về nguồn gốc, xuất xứ thuốc bị làm giả.
Đến nay, qua phiên xét xử sơ thẩm, các lãnh đạo của VN Pharma phải lĩnh án về tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với việc thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn qua mặt được cơ quan gác cửa để đưa về Việt Nam là vấn đề dư luận bức xúc, đòi hỏi làm rõ.
Ngày 21/9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng công bố quyết định thanh tra về trách nhiệm của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc, liên quan trong việc thực hiện quy định tự chủ theo các Nghị định 43 của Chính phủ (quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập); Nghị định 16 của Chính phủ (quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình); việc quản lý đầu tư xây dựng 2 bệnh viện trọng điểm theo Đề án 125: Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM, Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng (Viện chấn thương chỉnh hình).
Thời kỳ thanh tra từ năm 2013 đến năm 2016, khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên. Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế (không kể ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,...