Bộ Y tế đề xuất nhiều chính sách mới trong phòng, chống dịch COVID-19
Bộ Y tế kiến nghị cho phép được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa tổ chức phiên họp, nghe Bộ Y tế báo cáo về các nội dung Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn báo cáo tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thời gian qua để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng nhân lực tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 gồm các bác sỹ không chỉ ở chuyên ngành hồi sức, nội, truyền nhiễm mà ở tất cả các chuyên ngành.
Có nhiều trường hợp thực hiện các nhiệm vụ không phù hợp, thậm chí trái với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề. Trong đó, học sinh, sinh viên chuyên ngành y là đối tượng chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc người bệnh COVID-19.
Các hoạt động nêu trên chưa phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, Bộ Y tế kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Dự thảo nghị quyết về nội dung trên quy định, trong trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người, cho phép người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam) được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm COVID-19 theo phân công của người đứng đầu cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 mà không phải bổ sung phạm vi hành nghề.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng cho phép người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng chỉ hành nghề tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo phân công của người đứng đầu cơ sở y tế.
Điểm mới khác là dự thảo nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh từ xa với một số nội dung chủ yếu. Cụ thể, hoạt động khám chữa bệnh từ xa được thực hiện bằng việc tương tác giữa người hành nghề khám chữa bệnh với người bệnh thông qua các phương tiện viễn thông. Người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ xa do Quỹ bảo hiểm y tế, người bệnh và các nguồn khác chi trả.
Trước ý kiến đề nghị cân nhắc, làm rõ hơn về phạm vi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế đề nghị giữ nguyên như dự thảo là chỉ quy định về nguyên tắc trong Nghị quyết và giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt động điều hành hoạt động thí điểm.
Mặt khác, dự thảo nghị quyết còn cho phép một số cơ chế, chính sách trong cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc điều trị COVID-19; sử dụng thuốc sản xuất trong nước thuộc lô thuốc được sản xuất và phục vụ cấp giấy đăng ký lưu hành trong dự phòng, điều trị COVID-19...
Vào phiên họp tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào nội dung Chính phủ trình.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Y tế cho biết, đã ghi nhận thêm 13.677 ca COVID-19 trong nước (giảm 829 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố.