Bộ Y tế: COVID-19 ở Hải Dương liên quan đến biến thể siêu lây nhiễm

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Bộ Y tế vừa cho biết, các ca COVID-19 ở Hải Dương có liên quan đến một trường hợp được khẳng định tại Nhật Bản nhiễm chủng virus biến thể siêu lây nhiễm B.1.1.7.

Trong công điện gửi các địa phương ngày 29/1, Bộ Y tế yêu cầu siết các biện pháp bảo vệ cán bộ y tế: lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cán bộ y tế, khoa nguy cơ cao, lấy ngẫu nhiên bệnh nhân nội trú.

Theo đó, ngày 27/1, sau 57 ngày không có dịch ngoài cộng đồng, tại Hải Dương, Quảng Ninh đã phát hiện ổ dịch mới ngoài cộng đồng. Những trường hợp ở Hải Dương có liên quan đến một trường hợp được khẳng định tại Nhật Bản đã nhiễm chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm" B.1.1.7. 

Trước diễn biến hết sức nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, thực hiện Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế điện đề nghị UBND chỉ đạo các đơn vị tiếp tục khẩn trương thực hiện các nội dung sau: 

Thứ nhất, giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương, duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng theo hướng dẫn; đánh giá lại theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch COVID-19; cập nhật kết quả trên phần mềm trực tuyến, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại và tiếp tục rà soát, củng cố thực hiện thật nghiêm các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh. Đồng thời, cần nghiêm túc triển khai "Thông điệp 5K"; giao thủ trưởng đơn vị thực hiện xử phạt người không đeo khẩu trang. 

Thứ hai, triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm. 

Cụ thể, cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế. Rà soát lại máy thở và các trang thiết bị khác, cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch. 

Đồng thời, phối hợp với cơ quan Kiểm soát bệnh dịch các tỉnh hoặc các bệnh viện có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế (xem xét áp dụng phương pháp gộp mẫu).

Thứ ba, các cơ sở y tế thực hiện việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối đa 3 tháng). 

Thứ tư, chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh theo hướng dẫn để phát hiện sớm và ngăn ngừa, cách ly triệt để, tuyệt đối không để dịch COVID-19 lây lan trong các bệnh viện. Ngoài ra, cũng cần lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên người bệnh nội trú trong bệnh viện, ưu tiên các đối tượng có nguy cơ cao (áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp với đánh giá nguy cơ). 

Thứ năm, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và đồng bằng sông Hồng cần tổ chức điều trị, phân luồng người bệnh nặng và không có diễn biến nặng, chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết; nâng cấp độ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất. Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người bệnh tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và ngẫu nhiên người bệnh nội trú từ 30% trở lên của các khoa còn lại để phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh (có thể áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp với đánh giá nguy cơ). 

Các địa phương rà soát và báo cáo thường xuyên về Tiểu ban điều trị (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh), trong đó có khó khăn và đề xuất cần chi viện, giúp đỡ từ tuyến trên (nếu có).

Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 giờ ra sao?

Người phụ nữ 45 tuổi mắc bệnh nền là bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện nhiễm biến chủng mới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN