Bộ Xây dựng đã xử lý sai phạm Mường Thanh, còn chờ TP Hà Nội
Tại phiên chất vấn của UBTVQH, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết về tình trạng sai phép, không phép đã xử lý doanh nghiệp Mường Thanh có sai phạm lớn ở Linh Đàm, Hà Nội nhưng xử lý sai phạm sâu hơn là trách nhiệm của TP Hà Nội.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tại phiên chất vấn - Ảnh chụp màn hình
Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà về công tác xây dựng, kiến trúc, giao thông đô thị...
Cùng với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng tham gia trả lời chất vấn; Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP HCM tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan (nếu có).
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy ban Về các vấn đề xã hội); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cùng đặt hàng loạt vấn đề về quản lý xây dựng nổi lên trong thời gian qua như giải pháp xử lý nước thải, rác thải; bố trí nơi vui chơi giải trí; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; trách nhiệm của Bộ trong quản lý đô thị; trách nhiệm và cam kết của Bộ trưởng trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công; nâng cao chất lượng sống tại các khu dân cư vượt lũ ở ĐBSCL; hoàn thiện thể chế về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; giải pháp ngăn chặn lãng phí trong đầu tư, xây dựng...
Trả lời chất vấn của các ĐB về vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Xây dựng cho biết bên cạnh những kết quả từ quy hoạch xây dựng chung cũng như quy hoạch đô thị thì quy hoạch xây dựng còn có những hạn chế.
Cụ thể là chất lượng lập quy hoạch có tầm nhìn chưa đảm bảo, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa tốt...; sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch như quy hoạch hạ tầng chưa khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết...; quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện... dẫn tới tình trạng quy hoạch treo... Về tổ chức thực hiện quy hoạch, thường thực hiện chậm hoặc thực hiện không đồng bộ, chắp vá...
Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch... Việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế... dẫn tới những hệ lụy cụ thể về phát triển đô thị như: Ùn tắc giao thông, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm cấp phép xây dựng, lấn chiếm đất đai...
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong xây dựng quy hoạch; thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, còn nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi...
Bộ trưởng Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng đối với hạn chế trong quản lý quy hoạch như các khu đô thị làm đường chậm, không đồng bộ, chắp vá, đáng lẽ làm toàn bộ thì làm toàn phần hoặc "nợ". Trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý như cung cấp toàn bộ thông tin về quy hoạch, thanh tra kiểm tra không thường xuyên, liên tục, xử lý một số vụ không kiên quyết, kịp thời, tạo tiền lệ cho việc sai phép, không phép.
"Tôi đồng ý đại biểu Kim Thuý, có lúc buông lỏng quy hoạch. Dẫn đến hệ luỵ ùn tắc giao thông, vi phạm cấp phép xây dựng, không phép, sai phép. Còn có trục lợi hay không thì cơ bản tổng thể là không nhưng ở một số địa chỉ cụ thể có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm"- ông Phạm Hồng Hà nhìn nhận.
Đặc biệt, theo người đứng đầu ngành xây dựng, việc điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện ở nhiều địa phương gây ra dư luận về lợi ích nhóm. Vì vậy tới đây, Bộ Xây dựng sẽ bám sát chặt việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng để hiệu quả, khả thi và ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm trục lợi.
Bộ Xây dựng tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch. Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn,... thí dụ trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án...
Về tình trạng công trình xây dựng không phép, trái phép mà ĐBQH chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận đây là thực tế đang diễn ra. Mặc dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần tăng cường quản lý nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM...
"Năm 2106 có tới 12-13% công trình xây dựng sai phép, không phép. Nguyên nhân chủ yếu là chủ đầu tư cố tình vi phạm, trong khi thanh, kiểm tra không kịp thời. Vì vậy cần đổi mới, siết chặt công tác thanh, kiểm tra ở các địa phương, nhất là các công trình sử dụng qũy đất lớn"- ông Hà cho hay.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, Hà Nội, TP HCM đã đề xuất mô hình thanh tra cấp quận, huyện để bám sát, hiệu quả hơn. Đồng thời chế tài phải nghiêm, đủ sức răn đe vi phạm.
"Có điều, ĐBQH Nguyễn Thanh Thuỷ chất vấn Bộ trưởng có cam kết ngăn chặn được triệt để xây dựng không phép, sai phép, tôi xin thật lòng là không dám cam kết triệt để hoàn toàn vì công trình nằm ở các địa phương, mình Bộ không thể bao quát được hết, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương"- ông Hà thẳng thắn.
Trước trả lời của Bộ trưởng Xây dựng, ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý đề nghị Bộ cho biết đã xử lý trách nhiệm được cán bộ, đơn vị nào trong việc quản lý công trình sai phép, không phép.
Giải đáp chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói: "Chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian tới cùng với địa phương trực tiếp thanh tra các doanh nghiệp có sai phạm lớn. Còn đơn vị cụ thể thì có doanh nghiệp Mường Thanh có sai phạm lớn ở khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội, Bộ Xây dựng đã có xử lý vi phạm. Còn xử lý sai phạm sâu hơn là trách nhiệm của TP Hà Nội".
Chung cư VP3 và VP5 ( có chủ đầu tư là Tập đoàn Mường Thanh) cao nổi bật khu vực trung tâm KĐT Linh Đàm phá vỡ quy hoạch về cảnh quan kiến trúc
Kỷ luật 2 cán bộ vì liên quan đến sai phạm của Mường Thanh Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội (UBKT) ngày 2-8 đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Hoàng Mai và ông Nguyễn Anh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận Hoàng Mai. Trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND quận, ông Hải trực tiếp phụ trách quản lý trật tự xây dựng (TTXD), đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, dẫn đến trên địa bàn có 8 dự án vi phạm về TTXD, đồng thời có trách nhiệm đối với việc kiểm tra, xử lý các công trình sai phạm TTXD trên địa bàn quận. Còn ông Cường, trong thời gian giữ chức vụ Chánh thanh tra xây dựng quận, đội trưởng đội TTXD đã thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án VP3, VP5, VP6 vi phạm TTXD, không chỉ đạo lập hồ sơ vi phạm dự án VP3 và có trách nhiệm trong việc để mất 27 hồ sơ vi phạm TTXD tại phường Hoàng Liệt. Hai ông Hải và Cường đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và Nghị định số 180 của Chính phủ, Quy chế về chế độ trách nhiệm, công vụ ban hành kèm theo Quyết định số 541 của UBND quận. Được biết, các dự án VP3, VP5, VP6 vi phạm TTXD tại khu đô thị Linh Đàm đều có chủ đầu tư là Tập đoàn Mường Thanh. |
Uỷ ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội kỷ luật khiển trách cán bộ quận liên quan đến sai phạm dự án của Mường Thanh.