Bộ VH-TT-DL lên tiếng việc xây ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm
Bộ VH-TT-DL đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu thêm phương án bố trí nhà ga, nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Gươm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ngày 24-8 vừa có thông cáo nêu quan điểm về việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (Hà Nội) và ga ngầm C9 thuộc dự án này.
Theo Bộ VH-TT-DL, thời gian qua, Bộ VH-TT-DL đã có một số văn bản ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội về việc quy hoạch ga ngầm C9, thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, TP Hà Nội.
Vị trí và kiến trúc cửa lên xuống số 3 của ga ngầm C9 nằm sát hồ Gươm - Ảnh phối cảnh của Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB).
Tuy nhiên, nhận thấy khu vực dự kiến xây dựng nhà ga là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội, đồng thời là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan cần được bảo tồn và có giải pháp xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, nên tại các văn bản gửi đến UBND TP Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đều yêu cầu TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng (cách xa bờ phía Đông của hồ Gươm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Gươm và đền Ngọc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9-12-2013).
Ngày 8-5-2017, UBND TP Hà Nội có Công văn số 2141/UBND-ĐT giải trình về việc bố trí nhà ga và cho rằng, về mặt kỹ thuật cũng như an toàn vận hành thì không thể dịch chuyển vị trí nhà ga theo yêu cầu của Bộ VH-TT-DL. Do đó, VH-TT-DL đã có Công văn số 2297/BVHTTDL-DSVH ngày 29-5-2017 đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa.
Người dân Hà Nội xem triển lãm Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 hồi tháng 3-2018 - Ảnh: Huy Thanh
Trước đó, vào đầu tháng 3-2018, mô hình Tổng mặt bằng ga ngầm C9 nằm cạnh hồ Gươm, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được trưng bày công khai để lấy ý kiến nhân dân. Ga ngầm C9, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645 trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Gươm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Gươm có kích thước dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).
Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới hồ Gươm là khoảng 10 m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81 m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83 m; tới Tháp Bút khoảng 36 m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120 m.
Theo thiết kế ban đầu, ga ngầm C9 sẽ có 4 cửa lên xuống. Cửa số 1 và cụm công trình phụ trợ (tháp thông gió, làm mát, thang máy cho người khuyết tật…) được bố trí trong khuôn viên Tổng Công ty Điện Lực Hà Nội hiện nay.
Đây là kết quả quá trình nghiên cứu thận trọng và lâu dài của các cơ quan chuyên môn.