Bố VĐV Nguyễn Thị Oanh: "Con tôi đi đúng hướng, đến đích"
Chứng kiến thành tích của con gái, ông Nguyễn Văn Chuyền bảo, kế hoạch của bố con ông đã đi đúng hướng và về đến đích.
Căn nhà cấp 4 của bố mẹ vận động viên Nguyễn Thị Oanh ở xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang những ngày này tấp nập hơn hẳn. “Nhiều người cũng đến hỏi thăm, chúc mừng cháu nó”- ông Nguyễn Văn Chuyền, bố Oanh nói.
Con đi đúng hướng, đến đích
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ mà nổi bật nhất là những bằng khen và huy chương của con gái, ông Chuyền bảo, nhà này ông bà xây từ năm 2000 bằng số tiền mà ông gọi là “nhịn đói, nhịn khát’ chắt chiu được.
“Nay nhà cũng cũ kỹ lắm rồi. Ba gian nhà cấp 4 này cũng làm cháu Oanh trăn trở lắm. Cách đây mấy năm Oanh cũng bày tỏ muốn dựng lại nhà cho bố mẹ, nhưng mà kinh tế không có cũng đành thôi”- ông Chuyền tâm sự.
Bố mẹ VĐV Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: VT.
Nhớ lại thời gian đầu khi Oanh bén duyên với điền kinh, ông Chuyền chỉ nhớ đó là khoảng cuối năm lớp 9, khi trường tổ chức hội thao chạy Việt dã. Cũng nhờ đó mà cô học trò nhỏ nhắn trường làng ấy lọt vào “mắt xanh” của các thầy ở bộ môn này. Từ quê hương thuần nông này, Oanh bắt đầu lên thi đấu ở cấp huyện, cấp tỉnh rồi cấp Quốc gia.
Khi được hỏi về lựa chọn của con gái với môn thể thao này, ông Chuyền hướng mắt nhìn xa xăm ra phía ngoài vườn rồi nói: “Nhiều khi cũng thương cháu, tập luyện vất vả mà cũng chẳng....” bỏ lửng câu nói, rồi ông Chuyền đột nhiên hoan hỉ khi nhắc đến thành tích gần đây của con.
“Đến giờ này tôi khẳng định là kế hoạch của bố con tôi đã đi đúng hướng và về đến đích”- ông bày tỏ.
Căn nhà cấp 4 ngập tràn bằng khen của Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: VT.
Cuộc sống ở nông thôn quen việc đồng áng, ông Chuyền và bà Nguyễn Thị Hưởng (mẹ VĐV Nguyễn Thị Oanh) thường bắt đầu từ 4 giờ sáng. “Ở quê nhiều việc không tên với lại có tuổi rồi cũng không ngủ được nhiều”- ông Chuyền lý giải.
Gần đây, ông bà có thêm một việc có tên trong cuộc sống hàng ngày của mình đó là đợi đến khi con thi đấu lại ngồi trước ti vi hồi hộp theo dõi để cổ vũ cho con.
Khi được chúng tôi hỏi, có bao giờ ông bà mời anh em, hàng xóm đến xem cùng cho thêm phần khí thế không, ông Chuyền nói: “Nhiều khi cũng muốn, nhưng chẳng lẽ lại mời người ta đến uống nước lã không. Ít ra cũng phải có tí này, tí nọ nhấm nháp, nhưng tiền đâu mà mua”.
Vừa đi viện về vẫn bảo bố mẹ còn khỏe
Ông Nguyễn Văn Chuyền trước kia cũng là một tay thợ mộc có tiếng trong làng. “Đồ Tây, đồ ta tôi cũng từng tự tay làm rồi đấy”- ông Chuyền khoe. Tuy nhiên, từ năm 2000 do tuổi tác ông đành phải nghỉ ở nhà.
Hai ông bà dành thời gian chủ yếu cho hơn ba sào ruộng. Kinh tế từ công việc nhà nông như bà Hưởng cho biết cũng chỉ đủ cho ông bà “tự cung, tự cấp” chứ chẳng bán mua được gì.
“Có lần cháu nó về thấy bố mẹ vất vả quá cũng chỉ cho bố mẹ mấy đồng gọi là ăn sáng với bồi dưỡng thêm. Nhưng thế cũng là mừng rồi’- ông Chuyền kể.
Công việc thường ngày của bà Hưởng. Ảnh: VT.
Hai lão nông ở tuổi xấp xỉ 70 bảo, mỗi khi nhìn thấy con thi đấu mà tim thắt lại, nhưng cũng phải để cuối ngày mới dám gọi cho con. Câu chuyện của bố mẹ với con gái cũng chỉ là những câu hỏi, câu chào, bao nhiêu năm rồi vẫn vậy.
“Cuối cùng thì tôi cũng chỉ động viên cháu cố gắng thi đấu, đừng lo cho bố mẹ nhiều mà không tập trung vào chuyên môn, hơn nữa nói chuyện vừa phải thôi phải để dành thời gian nghỉ ngơi để hôm sau còn chiến đấu tiếp chứ”- ông Chuyền nói rồi khoe chiếc điện thoại rồi nói: "Giờ hiện đại rồi nhiều cái cũng tiện, gọi điện cho con nơi nào cũng được, chứ như ngày xưa thì chịu".
Cũng muốn con tập trung vào công việc chuyên môn, nhiều lúc ông kể, có khi vừa đi viện về mà con gọi cũng bảo bố mẹ còn khỏe lắm, mới đi làm đồng xong. Nhận thấy con trăn trở vì chưa xây được nhà cho bố mẹ, ông bà lại trấn an con: “Nhà này vẫn còn ở được chán, con không phải lo”.
Trước đó, trong vòng 20 phút, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh đã khiến giới thể thao phải nghiêng mình thán phục khi đoạt về liên tiếp 2 chiếc HCV SEA Games 32.
Chân chạy người Bắc Giang thi đấu cùng lúc hai cự ly 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật, xuất phát cách nhau chỉ 20 phút trong ngày thi đấu 9-5.
Nguyễn Thị Oanh thi đấu liền hai nội dung chỉ trong 20 phút nhưng vẫn giành được chiến thắng. ẢNH: ANH PHƯƠNG
Nguồn: [Link nguồn]
Trong căn nhà cấp 4 đã ngả màu, tài sản đáng giá nhất là hàng chục tấm huy chương lớn nhỏ được đóng trong tủ kính treo lên tường và vô số bằng khen của Oanh.