Bộ Tư pháp thông tin về kết quả thi hành án vụ Tân Hoàng Minh, FLC
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 7-10, đại diện Bộ Tư pháp đã thông tin về kết quả thi hành án vụ Tân Hoàng Minh, FLC và vụ Vạn Thịnh Phát sắp tới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thu hồi tài sản của các vụ án tham nhũng, ông Nguyễn Thắng Lợi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cho biết, năm nay việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế tham nhũng đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ hoàn thiện thể chế đảm bảo rõ ràng minh bạch đến trong chỉ đạo điều hành phải có đổi mới đột phá, hàng tuần hàng tháng yêu cầu báo cáo về thi hành án kinh tế, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra giám sát, phát huy việc tự kiểm tra, rà soát tại các cơ quan, ban hành kế hoạch kiểm tra dân sự, đặc biệt là kiểm tra đột xuất bổ sung nguồn lực về vật chất, con người…Kết quả là đến 30-9 đã thu được trên 22.000 tỷ đồng trong các vụ án kinh tế tham nhũng.
Ông Nguyễn Thắng Lợi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp trả lời tại buổi họp báo
Cũng theo ông Nguyễn Thắng Lợi, liên quan đến việc thi hành án của vụ Tân Hoàng Minh, đến nay, tổng số tiền đã chi trả cho người bị thiệt hại là 8.547 tỷ đồng, số bị hại đã được bồi thường là trên 6630 bị hại. Với vụ FLC, TAND Thành phố Hà Nội đã có bản án sơ thẩm, cơ quan thi hành án đang tiếp tục theo sát tiến trình tố tụng, khi án được thi hành sẽ cố gắng triển khai đạt kết quả cao nhất.
Từ các vụ việc trên, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra với vụ Vạn Thịnh Phát do đây là vụ việc cực kỳ phức tạp với số lượng bị hại rất lớn. Sắp tới, Tổng cục THADS cần thực hiện một số nội dung như: Cục Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử trong việc tiếp nhận vật chứng, rà soát cáo trạng..; Rà soát chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thụ lý, tổ chức thi hành án ngay khi bản án có hiệu lực ở cả trong 2 giai đoạn 1 và 2 như chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị thi hành án, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan…
Bên cạnh đó, Tổng cục đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức thi hành án, rà soát thuộc nội dung thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án, từ việc ra quyết định thi hành án, thông báo thi hành án, thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản…, đồng thời tăng cường nguồn lực để triển khai thực hiện.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc thí điiểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, giảm thời gian cấp phiếu từ 10 ngày xuống còn 3 ngày, bà Đỗ Thị Thúy Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia –Bộ Tư pháp khẳng định, để triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc, Bộ đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, quy trình thí điểm cấp, tập huấn kỹ thuật cho Sở Tư pháp, Sở Thông tin truyền thông. Đến nay đã có 53/63 tỉnh đã hoàn thành việc thử nghiệm toàn trình, trong đó 11 tỉnh hoàn thành điều kiện rà quét an toàn, sẵn sàng kết nối chính thức.
Cũng theo bà Đỗ Thị Thúy Lan, việc rút ngắn thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ gây áp lực rất lớn với cán bộ làm công tác này, để thực hiện có hiệu quả phải có sự quyết tâm cao và sự kết nối thông suốt. Trong thời gian thí điểm, với các địa phương chưa thực hiện được trên VNeID vẫn triển khai cấp phiếu qua các hình thức khác như bình thường.
Ngày 1/10, sau gần hai tháng tuyên án, đã có 25 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC có đơn kháng cáo, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử...
Nguồn: [Link nguồn]