Bộ Tư pháp nói về "quy định ngưỡng nồng độ cồn hay cấm tuyệt đối"
Hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về quy định nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Chiều 12-4, tại họp báo quý I/2024 của Bộ Tư pháp, báo chí đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ Tư pháp trước 2 luồng ý kiến khác nhau liên quan tới việc cấm tuyệt đối hay có ngưỡng về nồng độ cồn với người tham gia giao thông trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bà Lê Thị Vân Anh trả lời báo chí chiều 12-4
Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có nghiêm cấm hành vi điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (Khoản 5, điều 6).
Về quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông, bà Lê Thị Vân Anh cho rằng việc cấm tuyệt đối hay không phải căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.
Trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp có đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế có nghiên cứu về mặt khoa học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phù hợp với ý thức tham gia giao thông của người dân, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật.
Trước đó, tại phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 3-2024, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho biết về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với dự thảo Luật là cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị cân nhắc quy định trên và cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng đây là nội dung lớn, có tác động đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, được cử tri và dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Căn cứ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh tổng hợp và đề xuất 2 phương án sau:
Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia Giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).
Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: "Điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở". Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị UBTVQH lựa chọn Phương án 1 để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành để bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.
Nguồn: [Link nguồn]
Góp ý hoàn thiện dự luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trước khi trình Quốc hội thông qua, các đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về nội dung "nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe".