Bộ Tư pháp: Không cấm kết hôn đồng giới

Dự thảo mới về Luật Hôn nhân và Gia đình đã đưa ra phương án không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Bộ Tư pháp vừa công bố để lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình từ năm 2000.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo là việc đưa ra phương án hạ độ tuổi cho phép kết hôn.

Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về độ tuổi được phép kết hôn. Một là vẫn giữ nguyên quy định cũ: nam từ đủ hai mươi tuổi, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên. Nhưng một phương án khác là cho phép độ tuổi kết hôn của cả nam lẫn nữ đều từ đủ mười tám tuổi trở lên.

Đặc biệt, ban soạn thảo đã đưa ra phương án không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay quy định: Cấm kết hôn đối với người đang có vợ hoặc có chồng; Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Giữa những người cùng giới tính.

Bộ Tư pháp: Không cấm kết hôn đồng giới - 1

Hai người đồng tính nữ (sống chung với nhau) chia sẻ chuyện đời tại một cuộc hội thảo do Bộ Tư pháp mới tổ chức.

Tuy nhiên, Dự thảo lần này đã đưa thêm một phương án để chọn lựa, trong đó, việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính đã không còn được nhắc đến.

Theo đó, quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, về cơ bản cũng giống như giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Một trong những quy định về quan hệ tài sản của vợ chồng cho phép, một bên vợ, chồng có quyền mở tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán nhân danh cá nhân mình mà không cần sự đồng ý của người kia.

Dự thảo cũng quy định, bố dượng, mẹ kế, con riêng của vợ hoặc của chồng đã thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chăm sóc, phụng dưỡng, không ngược đãi, xúc phạm thì được thừa kế di sản của nhau như giữa cha mẹ và con ruột.

Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định.

Ngược lại, cháu đã thành niên không sống chung với cô (dì, chú, cậu, bác ruột) cũng có nghĩa vụ cấp dưỡng những người này trong trường hợp họ mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định.

Một phương án về quy định người mang thai hộ được ban soạn thảo đưa ra, phải là người có quan hệ thân thích của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN