Bộ Tư pháp đồng ý đề xuất "hiến máu là tự nguyện"
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Tư pháp vừa đồng ý với đề xuất quy định việc hiến máu là tự nguyện.
Bộ Y tế cho biết, Bộ Tư pháp đã đồng ý với chủ trương "hiến máu là tự nguyện" do Bộ Y tế đưa ra.
Vừa qua, Bộ Y tế ban hành Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc và nhận thấy, “quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần” là không phù hợp nên không thể đưa vào Dự thảo. Bộ Y tế chỉ đưa nội dung “quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu”.
Trao đổi với phóng viên ngày 17/1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Tư pháp vừa đồng ý với đề xuất quy định việc hiến máu là tự nguyện.
“Tất nhiên đây mới chỉ là đồng ý về mặt chủ trương. Nếu không vướng mắc gì, dự kiến chúng tôi sẽ trình Quốc hội năm 2018”, ông Quang cho hay.
Cũng theo ông Quang, đến thời điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Thoa –Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thẩm định chủ trì Dự thảo này.
Theo đó, đa số ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn thẩm đều tán thành về sự cần thiết đề nghị xây dựng Luật.
Ngoài ra, các thành viên cũng thảo luận về một số vấn đề sau: Đề nghị cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để thực hiện vận động hiến máu và tế bào gốc từ người; quản lý, sử dụng máu và chế phẩm máu của người; quản lý, sử dụng tế bào gốc của người; xuất khẩu, nhập khẩu máu, chế phẩm máu và tế bào gốc của người vì lợi ích sức khỏe của nhân dân, bảo đảm quyền con người; Khắc phục những hạn chế, bất cập và những khoảng trống của pháp luật về quản lý nhà nước đối với máu và tế bào gốc hiện nay.
Bộ Tư pháp cũng khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác liên quan đến máu và tế bào gốc; Bảo đảm tính dự báo cao trong tương lai, dự liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến máu và tế bào gốc, bên cạnh đó phải phù hợp, hài hòa với xu hướng pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, “quy định bắt buộc hiến máu” là một trong những giải pháp đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với dự án Luật về máu và tế bào gốc. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, Bộ Y tế nhận thấy, nếu “bắt buộc người dân hiến máu” thì chi phí đi lại mà người dân phải bỏ ra cho một lần đi hiến máu trong một năm là trên 588 tỷ đồng.
Nếu sử dụng giải pháp 1 sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng gần 28 triệu đơn vị máu. Từ những phân tích này, Bộ Y tế đề xuất lựa chọn giải pháp 2 vì phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.