Bỏ tử hình với 7 tội danh

Trong ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi).

Sáng 27-11, Quốc hội (QH) đã thông qua Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) với 415 đại biểu (ĐB) tán thành (chiếm 84,01%).

Nộp lại phần lớn tài sản tham ô sẽ thoát án tử

Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) quy định 7 tội danh được bỏ hình phạt tử hình so với bộ luật hiện hành, gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy.

Bỏ tử hình với 7 tội danh - 1

Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Huỳnh Thành Lập đề xuất có quy định quản lý nhà nước về vắc-xin Ảnh: NGUYỄN NAM

Bộ luật cũng quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án thuộc đối tượng: người từ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) sau khi chỉnh lý có 426 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Hỏi cung phải ghi âm, ghi hình

Cùng ngày, Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cũng được QH thông qua với 85,63% tổng số ĐB tán thành.

Bộ luật quy định sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Những biện pháp này có thể được áp dụng với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền; các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, nội dung còn nhiều ý kiến trái chiều nhất trong dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) là quy định tại điều 183 về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. Trên cơ sở đa số ý kiến ĐBQH, điều 183 Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Nghị quyết của QH được thông qua sau đó đã giao bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1-1-2017. Chậm nhất đến ngày 1-1-2019, việc này thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Xử nghiêm tội làm thuốc giả

Cũng trong ngày 27-11, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dược (sửa đổi). Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng còn khá phổ biến, trong khi quản lý giá thuốc còn nhiều bất cập.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, góp ý mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang bị lạm phát với trên 2.000 công ty. Tình trạng mua bán thuốc lòng vòng qua nhiều đầu mối trung gian đã đẩy giá thuốc lên cao. Theo ĐB này, cần phải siết chặt việc cấp phép cho các công ty phân phối thuốc. Ngoài ra, cần kiểm soát và xử lý thật nghiêm khắc các tội làm thuốc giả, đồng thời giải quyết tình trạng độc quyền và cấu kết tăng giá thuốc. “Phải chế tài thật nghiêm, xử lý nghiêm khi phát hiện công ty dược bắt tay bác sĩ ăn chia hoa hồng, chiết khấu” - bà Lan nhấn mạnh.

Theo Trưởng đoàn ĐBQH TP HCM Huỳnh Thành Lập, cần có quy định quản lý nhà nước về vấn đề mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vắc-xin. Ông Lập đề xuất nên có 1 điều quy định về tổ chức nghề nghiệp dược sĩ. Lĩnh vực đông y cũng cần có tiêu chuẩn trong việc đăng ký lưu hành theo nguyên tắc hợp lý; cho bảo hiểm y tế chi trả tiền điều trị bằng đông dược...

Quốc hội không đồng ý bỏ môn lịch sử

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của QH chiều 27-11, với 90,69% ĐB tham gia biểu quyết tán thành, QH đã thông qua nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.

Nghị quyết của QH yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung Nghị quyết số 88/2014 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. “Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới” - nghị quyết của QH nêu rõ.

Nghị quyết cũng yêu cầu triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ để tạo sự chuyển biến rõ nét về giảm quá tải bệnh viện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng khám chữa bệnh. Tăng cường quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Theo nghị quyết, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp; thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử, chống oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử; tổ chức hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Nghị quyết cũng yêu cầu thực hiện nghiêm Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật này; nghiêm túc thực hiện các cơ chế pháp lý về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra; thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tham nhũng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN