Bộ trưởng Y tế: Giãn cách xã hội đợt dịch thứ 4 là quyết định rất khó khăn

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã dành gần 30 phút tại Quốc hội để nói về quãng thời gian chống dịch Covid-19 suốt 2 năm qua.

Sáng 21-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, thảo luận tại tổ số 2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã dành gần 30 phút để nói về quãng thời gian chống dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua. 

Video clip Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, dịch bệnh hiện đã cơ bản được kiểm soát tốt, kể cả ở những vùng tâm dịch như TP HCM, Bình Dương, Long An.

"Cuộc chiến với Covid-19 chưa có trong tiền lệ, không phải Việt Nam mà tất cả các nước. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa học hỏi, trao đổi vừa kế thừa những bài học thành công của các nước, làm sao chỉ đạo kịp thời để công cuộc chống dịch thành công"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Nói về đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng với biến thể Delta, thế giới coi đây như một đại dịch mới, làm đảo ngược tất cả thành tựu chống dịch của các nước, kể cả nước phát triển và có tỷ lệ tiêm chủng cao. 

Việt Nam cũng “rất căng thẳng” khi ứng phó với biến chủng này vì chưa có trong tiền lệ, mức độ ảnh hưởng lớn, tác động sâu sắc tới tất cả các vấn đề y tế, xã hội, đời sống, đặc biệt nghiêm trọng tới sinh mạng, sức khỏe của người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu - Ảnh: Văn Duẩn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu - Ảnh: Văn Duẩn

Sau 2 năm chống dịch, người đứng đầu ngành y tế chia sẻ có nhiều quyết định rất khó khăn, điển hình như việc giãn cách xã hội. Theo ông Nguyễn Thanh Long, việc giãn cách xã hội từng được áp dụng từ tháng 4-2020, nhưng khi đó số ca nhiễm không lớn.

Còn với đợt dịch lần thứ 4, giãn cách xã hội rất khó khăn, nhất là với 19 tỉnh, thành phía Nam. Sau đó lệnh tăng cường giãn cách xã hội tiếp tục được áp dụng ở một số nơi với tinh thần "ai ở đâu ở đó", người dân hạn chế ra khỏi nhà.

Lần này, biện pháp cao hơn được áp dụng nhờ Nghị quyết 30 của Quốc hội đã mở đường cho Chính phủ thực hiện các biện pháp tương tự trường hợp khẩn cấp, nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp.

Dẫn chứng điển hình ở TP HCM, Bộ trưởng Y tế cho biết khi đưa ra quyết định giãn cách, tăng cường giãn cách đã phải rất cân nhắc, tính toán vì câu chuyện lo an sinh cho hàng triệu người dân. Đây là một thách thức rất lớn.

Một quyết định lịch sử khác được ông Long nhắc đến là việc điều động nhân lực với số lượng lớn chưa từng có, lên tới 300.000 lượt cán bộ chiến sĩ, gồm cả lực lượng y tế, công an và quân đội. "Đây là lần điều động lớn nhất, là quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử".

Quyết định thứ ba là việc thiết lập các phòng cấp cứu và trung tâm hồi sức tích cực ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. "Khi ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian rất ngắn, hệ thống y tế không thể đáp ứng nổi. TP HCM so với các nơi khác có nền tảng y tế tốt nhất nhưng bệnh nhân tăng nhanh, rất nhiều bệnh nhân nặng cấp cứu nên chúng ta đã quyết định thành lập trung tâm hồi sức tích cực và phải điều những lực lượng thậm chí chưa bao giờ làm việc đó cùng vào cuộc".

Cũng từ cuộc chiến "chưa có tiền lệ", Bộ trưởng Y tế cho biết chúng ta đã rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Nhắc đến chiến lược vắc-xin, Bộ trưởng Y tế cho biết chúng ta đã phải vượt qua tất cả khó khăn về pháp lý để mua, nhập khẩu, chấp nhận toàn bộ rủi ro về việc giao hàng không đứng thời hạn, giá mua không được tính lại. Nhưng với Nghị quyết 21 của Chính phủ đã mở đường cho tiếp cận vắc-xin và từ tháng 5-2021, việc này được triển khai nhanh chóng hơn. "Hiện nay chúng ta có những hợp đồng, thỏa thuận cung ứng, tài trợ vắc-xin của các tổ chức với tổng số 191 triệu liều và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới"- ông Nguyễn Thanh Long thông tin.

Theo Bộ trưởng Y tế, sự thành công trong ngoại giao vắc-xin nhờ sự tích cực của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó Việt Nam sẽ tham khảo, học hỏi và nghiên cứu để từng bước mở rộng đối tượng tiêm cho người 12-17 tuổi, năm 2022 có thể mở rộng thêm tiêm vắc-xin cho trẻ trên 3 tuổi.

Bằng việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế tự tin về việc chủ động vắc-xin vào năm 2022. Việc các văn bản của Quốc hội, Chính phủ cho phép nhập khẩu nguyên liệu đã giúp Việt Nam chủ động về thuốc điều trị.

Không thể đưa số ca nhiễm của TP HCM hay các tỉnh khác về con số 0

Nhắc đến việc chuyển trạng thái chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng chúng ta phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh.

"Chúng ta cũng không thể đưa số ca nhiễm của TP HCM hay các tỉnh khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn. Ta phải chấp nhận tỷ lệ nào đó nhưng kiểm soát được vấn đề tử vong. Để làm được điều đó, phải đảm bảo được 3 tiêu chí: Tỷ lệ bao phủ vắc-xin, chỉ số về mức độ lây nhiễm và chỉ số đáp ứng của hệ thống y tế"

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch thì không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vắc-xin. Và nếu hệ thống y tế không đáp ứng nổi, phải nâng cấp độ dịch, triển khai biện pháp ngặt nghèo hơn.

Bộ trưởng Bộ Y tế nói về tín hiệu khả quan khi xét nghiệm toàn TP.HCM

Với tổng lượng mẫu đã lấy khoảng nửa triệu, tỷ lệ nhiễm dao động khoảng 3,6%, so với trước đây tỷ lệ này vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn - Minh Chiến ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN