Lý do phải tạm dừng cưỡng chế vi phạm ở hồ Đồng Đò

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Hiện Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đang thụ lý 2 vụ khởi kiện tại khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn), đây là 2 trong 5 vụ việc sai phạm tại “điểm nóng” xây dựng trái phép trên đất rừng Sóc Sơn nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm.

Các công trình dạng homestay vẫn tiếp tục được thi công trước sự bất lực của chính quyền huyện Sóc Sơn

Các công trình dạng homestay vẫn tiếp tục được thi công trước sự bất lực của chính quyền huyện Sóc Sơn

Mới đây, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tạm đình chỉ việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình vi phạm ven hồ Đồng Đò.

Quyết định của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội buộc UBND huyện Sóc Sơn và xã Minh Trí tạm dừng việc thực hiện hành vi cưỡng chế đối với công trình ông Dương Văn Học (thôn Minh Tân, xã Minh Trí).

Thời điểm đó, UBND huyện Sóc Sơn đã huy động máy móc, nhân lực nhưng không thể cưỡng chế do quyết định của Tòa án. Đây không phải lần đầu tiên huyện huy động máy móc nhưng không thể thực hiện. Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trước đó có những công trình 3 lần huyện đưa phương tiện, máy móc đến chuẩn bị cưỡng chế nhưng không thực hiện được. Lý do là người dân đã khởi kiện và được tòa thụ lý. “Sau đó công trình này được hoàn thiện nhưng chúng tôi không thể cắt điện, nước được”, đại diện huyện nêu khó khăn.

Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam, Phó Chánh tòa Hành chính, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết, tại khu vực hồ Đồng Đò, Tòa án nhân dân thành phố đã thụ lý 2 vụ việc khởi kiện của ông Trần Ngọc T và ông Dương Văn H. Khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện đã nộp kèm Đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc cưỡng chế khắc phục hậu quả để chờ kết quả giải quyết vụ án mà họ khởi kiện.

Lý giải cho yêu cầu khởi kiện, người khởi kiện đều cho rằng họ là chủ sử dụng hợp pháp của các diện tích đất mà họ đang quản lý sử dụng trong đó có phần diện tích đất là đất ở nên họ tiến hành xây dựng các công trình để ở. Tài liệu chứng cứ kèm theo là các hợp đồng chuyển nhượng được UBND xã Minh Trí xác nhận có phần diện tích đất ở nông thôn. Để xử lý yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành xác minh tại địa điểm nơi tiến hành cưỡng chế phá dỡ trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và qua xác minh thấy rằng các công trình sẽ bị cưỡng chế phá dỡ đã được xây dựng kiên cố, chủ nhà đã ăn ở sinh hoạt từ trước (Hộ gia đình ông Dương Văn H), nhiều công trình liền kề vẫn đang tồn tại.

“Để thận trọng, đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt hại cho người dân và cả cơ quan nhà nước, chúng tôi đã lên hồ Đồng Đò xác minh, đồng thời yêu cầu chủ nhà cam kết không phát sinh xây dựng mới trong khi chờ giải quyết”, Thẩm phán Lam thông tin. Những nội dung này được thực hiện chặt chẽ, phải xác minh, kiểm chứng thực tế rồi mới đưa ra quyết định tạm đình chỉ trong khi chờ tòa giải quyết.

Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam thông tin thêm: Quá trình giải quyết, UBND huyện Sóc Sơn đã cung cấp Kết luận Thanh tra trong đó xác nhận việc mua bán là không đúng. Đây là nội dung quan trọng mà tòa sẽ xác minh, xem xét trong vụ kiện này. Hiện nay, Tòa đã có báo cáo của UBND xã Minh Trí. Theo đó, đến thời điểm hiện tại UBND xã chưa có bản đồ địa chính, sổ mục kê, sổ theo dõi đất ở đối với đội 3 thôn Minh Tân, xã Minh Trí. Hiện toàn bộ xã đang thực hiện rà soát theo quy hoạch rừng năm 2008. Toàn bộ hộ dân ở đội 3 thôn Minh Tân vẫn nằm “lơ lửng”, vì không biết đâu là đất khai hoang, đâu là đất rừng phòng hộ.

Về thời hiệu của quyết định tạm đình chỉ, Thẩm phán Lam cho biết, quyết định có hiệu lực đến khi kết thúc giải quyết vụ án.

Chưa hồ nào được cắm mốc

Trao đổi với PV Tiền Phong về vi phạm lòng hồ Đồng Đò diễn ra suốt nhiều năm qua, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin: Năm 2001, UBND TP Hà Nội đã thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thi công dự án xây dựng công trình hồ Đồng Đò. Khi dự án hoàn thành, hồ Đồng Đò đã được bàn giao cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi Sóc Sơn quản lý từ tháng 7/2007 với mục đích là giữ hồ thủy lợi.

Theo vị này, không chỉ hồ Đồng Đò mà tất cả các hồ ở Hà Nội đều chưa được cắm mốc, vì chưa có kinh phí. Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề xuất định mức kinh tế kỹ thuật quản lý hồ thủy lợi trong đó có cả kinh phí cắm mốc hồ và cắm mốc kênh mương. Theo quy định của pháp luật, các công ty thủy lợi vẫn có thể được hỗ trợ khoản kinh phí cắm mốc nhưng lại vướng quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hiện Bộ NN&PTNT đang tổng hợp đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 114.

Nhận định về việc hồ Đồng Đò bị “xẻ thịt”, đại diện Sở NN&PTNT khẳng định: Nếu cắm mốc thì sẽ dễ dàng nhìn ra công trình nào vi phạm. Nhưng cần đặt vấn đề là cắm mốc xong để làm gì? Được biết, công ty thủy lợi quản lý hồ Đồng Đò đã xác định hàng trăm công trình vi phạm lòng hồ nhưng chính quyền địa phương không tiến hành xử lý dứt điểm.

Đại diện UBND xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay trên địa bàn có thêm 6 trường hợp mới vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp.

Cận cảnh khu hồ Đồng Đò ở Sóc Sơn sau 4 năm có kết luận thanh tra

Sau gần 4 năm kết luận thanh tra được ban hành, đất rừng Sóc Sơn (TP Hà Nội) vẫn tiếp tục bị "xẻ thịt", chỉ riêng khu vực hồ Đồng Đò đã có hơn 200 công trình vi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRẦN HOÀNG ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN