Bộ trưởng TN-MT: ĐBSCL đang tự lún, có nơi lún 10 cm

Sự kiện: Họp Quốc hội
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho rằng cùng với biến đổi khí hậu, tác động của con người, vùng ĐBSCL vẫn đang tự lún, như khu vực Cần Thơ, từ năm 2005-2017 có nơi lún 10 cm

Sáng 4-6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường (TN-MT). Có 113 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang chất vấn Bộ trưởng TN-MT - Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang chất vấn Bộ trưởng TN-MT - Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho biết thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng ĐBSCL với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết đánh giá về công tác dự báo, dự phòng đối với vấn đề trên thời gian qua. Đồng thời cho biết giải pháp ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới như thế nào?.

Trả lời, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết biến đổi khí hậu tác động rất lớn, không chỉ sạt lở khu vực ĐBSCL mà khu vực miền núi phía Bắc, lũ lụt ở miền Trung cũng gây sạt lở rất lớn. "Chúng ta luôn luôn phải lường trước để có kế hoạch ứng phó".

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, có 4 nguyên nhân gây sạt lở, lún ở vùng ĐBSCL. Thứ nhất, là do nền địa chất ở ĐBSCL được kiến tạo với nền trầm tích còn non trẻ. Theo quan sát, quan trắc, vùng ĐBSCL đang tự lún, như khu vực Cần Thơ đo được từ năm 2005-2017 có những nơi lún 10 cm.

Nguyên nhân thứ hai, trước đây lượng phù sa về đầy đủ hơn, nhưng bây giờ lượng phù sa về giảm rất nhiều khiến thiếu hụt lượng phù sa bồi đắp.

Nguyên nhân thứ ba, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta đã xây dựng các đô thị, khu dân cư, nuôi trồng thủy sản, lấn chiếm bờ sông làm thay đổi dòng chảy.

Nguyên nhân cuối cùng, là việc khai thác cát trái phép dẫn đến việc dùng vòi khai thác cát gần bờ, rất nguy hiểm, hoặc có phép nhưng khai thác quá công suất…

"Những nguyên nhân này làm cho việc sạt lở, lún sụt trở nên ngày càng nghiêm trọng" - Bộ trưởng TN-MT nói.

Về giải pháp, ông Đặng Quốc Khánh cho rằng Bộ đang đánh giá trữ lượng cát, sỏi ở ĐBSCL; các địa phương cần rà soát lại quy hoạch dân cư, sắp xếp, bố trí lại dân cư tránh những nơi có nguy cơ cao sạt lở; xử lý việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông để tránh thay đổi dòng chảy. Bộ TN-MT cũng chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo về sạt lở, sụt lún.

Phát biểu tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé tiếp tục đề nghị Bộ trưởng TN-MT cho biết chất lượng dự báo, dự phòng thiên tai, hạn hán, ngập mặn của Việt Nam hiện nay bởi đây là nhiệm vụ rất quan trọng để chủ động ứng phó. "Đề nghị Bộ trưởng cung cấp thông tin về việc dự báo để các địa phương chủ động ứng phó đang được thực hiện thế nào?".

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Chính phủ vừa qua đã chỉ đạo tăng cường khả năng dự báo và cảnh báo. Bộ đang chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn nâng cấp trang thiết bị, cùng tổ chức quốc tế đào tạo nhân lực để tăng khả năng dự báo.

"Khả năng dự báo của Việt Nam đã tiệm cận các nước trong khu vực, dự báo chính xác, đóng vai trò quan trọng trong chuẩn bị ứng phó" - Bộ trưởng TN-MT nói.

Với hạn hán tại đồng ĐBSCL, Bộ TN-MT đã cung cấp thông tin giúp các địa phương điều chỉnh thời gian vụ mùa nông nghiệp để không bị mặn. Bộ cung cấp các bản tin thủy văn về nhiễm mặn, cảnh báo sạt lở theo giai đoạn 10 ngày, 30 ngày.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa hoàn thành đánh giá trữ lượng mỏ cát biển ở tỉnh Sóc Trăng, với 245 triệu m3

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn - Minh Chiến - Huy Thanh ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN