Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Ngân sách sao mà trống rỗng được
Chiều 17/9, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, “ngân sách hết tiền”, hay “ngân sách trống rỗng” mà dư luận đang đề cập là ngân sách dự phòng chứ không phải Ngân sách Trung ương.
Sau phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm qua, cho ý kiến về giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến, lo ngại về việc ngân sách Trung ương đã hết tiền, trống rỗng. Ông có thể lý giải rõ hơn về việc này cũng như thông tin đưa ra trong cuộc họp hôm qua?
Sau phiên họp đó, thực ra nhiều người đã hiểu sai vấn đề, tưởng rằng ngân sách trống rống, hết tiền. Nhưng thực tế, thu ngân sách vẫn được 77% và thu năm nay vẫn vượt so với dự toán ngân sách Quốc hội giao. Như vậy thì ngân sách làm sao mà trống rỗng được? Ngân sách Trung ương trống rỗng, lấy đâu mà trả lương?
Ngân sách trống rỗng mà dư luận nói, thực chất là tôi muốn nói đến ngân sách “dự phòng” Trung ương. Đúng là nguồn ngân sách dự phòng hiện nay đã hết, chứ không phải ngân sách trung ương đã cạn tiền, hay trống rỗng.
Bộ trưởng có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Theo Luật Ngân sách, khoản ngân sách dự phòng chiếm từ 2 – 4% tổng chi ngân sách để sử dụng cho việc phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hoả hoạn và những vấn đề phát sinh bất khả kháng xảy ra.
Nguồn ngân sách dự phòng này với khoảng 17 nghìn tỷ đồng hiện đã chi hết. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 năm nay diễn biến rất phức tạp, nên đã chi hết nguồn đó cho các địa phương, bộ, ngành chống dịch.
Tuy nhiên, nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như Công an, Quân đội và các địa phương vẫn là rất lớn. Chính vì vậy, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ điều chỉnh vào dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trong ngân của sách của Trung ương có một khoản chi dự phòng. Và xin được nhấn mạnh, nguồn ngân sách hết ở đây là ngân sách dự phòng, chứ không phải ngân sách Trung ương hết tiền. Ngân sách Trung ương mà hết thì lấy đâu chống dịch, lấy đâu cho đầu tư công, đầu tư phát triển, lấy đâu trả lương...
Con số hơn 14 nghìn tỷ mà Bộ trưởng để cập được sử dụng từ nguồn nào và vì sao phải trình ra Thường vụ Quốc hội, thưa ông?
Để có được nguồn đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm 10% chi thường xuyên, tức cắt giảm các khoản chi cho các bộ, ngành… Bằng các giải pháp đó đã giảm được 14.620 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách, muốn bổ sung vào dự toán ngân sách, thì phải được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép. Bởi dự toán này đã được Uỷ ban Thường vụ trình Quốc hội ban hành rồi. Vì thế Chính phủ mới phải trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Hôm qua, tôi nói vậy là muốn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sớm để cấp kinh phí phòng chống dich. Vì chúng tôi đã trình 5.500 tỷ cho phòng chống dịch rồi, tuy nhiên vẫn phải có sự phê chuẩn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Có thể cách nói của tôi bị hiểu sai ý, cũng có thể do tôi nói tiếng Nghệ An, nên nghe không rõ (cười).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Kết luận phiên họp, Uỷ ban Thường vụ đã đề nghị Chính phủ có thể sử dụng nguồn dự phòng còn lại của ngân sách nhà nước và nguồn điều chỉnh tăng hỗ trợ phần lãi suất qua hệ thống ngân hàng để tạo ra dòng tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Vậy hai giải pháp này sẽ được thực hiện ra sao, thưa Bộ trưởng?
Về nguồn dự phòng thì như tôi đã nói ở trên. Do không còn nguồn dự phòng, nên Chính phủ mới đề xuất 14.620 tỷ đó chuyển vào dự phòng chống dịch và chúng tôi muốn được thông qua sớm để có nguồn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Còn giải pháp về lãi suất, cái này Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã có ý kiến tại phiên họp, cho rằng việc thực hiện rất khó khăn. Cụ thể thế nào, báo chí phải trao đổi lại với bên ngân hàng.
Để có thêm nguồn cho phòng, chống dịch COVID-19, có ý kiến cho rằng, nên ứng dự toán của năm sau, tức năm 2022. Bộ trưởng thấy sao về giải pháp này?
Để ứng nguồn ngân sách năm 2022 thì rất khó, vì lấy đâu để ứng? Ví dụ, tôi vay của NHNN, cuối năm tôi phải trả, muốn vậy phải có nguồn thu mới trả được. Mặt khác, khoản này cũng phải có trong dự toán ngân sách mới làm được, còn không thì phải xin ý kiến Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phương án này rất khó thực hiện và chính sách tài khóa chưa tính đến.
Do vậy, việc chuyển nguồn vẫn chủ yếu từ tiết kiệm chi ngân sách Trung ương, địa phương, giảm 50% phần hội họp, công tác phí, công tác nước ngoài, các khoản tiếp khách… Bên cạnh đó cũng phải thực hiện các giải pháp tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Nhiều người hiểu sai, tưởng rằng ngân sách trống rống, nhưng thực tế thu ngân sách vẫn được 77% và thu năm nay vẫn vượt so với dự toán ngân sách Quốc hội giao, làm sao mà trống rỗng được.
Cảm ơn Bộ trưởng!
Để hỗ trợ kịp thời cho người dân khi kéo dài thời gian giãn cách đến hết tháng 9, TPHCM sẽ chi 10.000 tỷ đồng cho gói...
Nguồn: [Link nguồn]