Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Nghề giáo không được thiết kế để làm giàu'
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, nghề giáo không được thiết kế để làm giàu mà phụng sự xã hội, lấy sự phát triển của học trò làm thành công của nghề nghiệp.
- Điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế, điểm nghẽn của thể chế là con người, vậy điểm nghẽn của con người trong ngành giáo dục, là gì thưa ông?
- Điểm nghẽn của con người trong ngành giáo dục hiện nay là thu nhập và đời sống giáo viên. Mỗi giáo viên có hệ số lương khác nhau tùy theo bậc, cấp, và thâm niên công tác. Sau khi được điều chỉnh từ ngày 1/7, giáo viên nhận khoảng 4,9-15,87 triệu đồng một tháng tùy bậc học và thâm niên nghề nghiệp, chưa gồm phụ cấp. Trong đó, giáo viên mầm non hạng III là nhóm nhận lương thấp nhất, từ khoảng 4,9 đến hơn 11,4 triệu đồng một tháng. Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận cao nhất, trong đó người có hệ số lương 6,78 hưởng lương gần 16 triệu đồng một tháng.
Thống kê cho thấy giáo viên mầm non, phổ thông mới vào nghề (hạng III, bậc 1) chỉ nhận 6,6 đến 7,4 triệu đồng một tháng, gồm phụ cấp. Mức này thấp hơn thu nhập trung bình của người lao động cả nước trong quý III năm nay (7,6 triệu đồng). Để được nhận mức lương cứng 10 triệu đồng, giáo viên phải cống hiến khoảng 19 năm trong nghề. Hiện số giáo viên mầm non và tiểu học có thu nhập 6-8 triệu đồng chiếm gần 50%. Thu nhập của giáo viên tập sự, thử việc, hợp đồng còn thấp hơn nhiều.
Hiện nay cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, bao gồm cả hai khối công và tư, ở tất cả cấp học, cả phổ thông, đại học và dạy nghề. Đội ngũ nhà giáo đang có khoảng 6.000 giáo sư và phó giáo sư, gần 60.000 người trình độ tiến sĩ. Có trên 600 nhà giáo được phong tặng nhà giáo nhân dân và trên 10.000 nhà giáo ưu tú. Trải qua công cuộc phổ cập giáo dục, đổi mới giáo dục phổ thông, việc thực hiện tự chủ đại học, phát triển các trường đại học, chất lượng, cơ cấu của đội ngũ nhà giáo được nâng lên rất nhiều, dần đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển giáo dục.
Trong xã hội hiện đại, nghề giáo không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn yêu cầu nhiều kỹ năng mềm, sự sáng tạo và cập nhật liên tục. Tuy nhiên, với mức lương hiện tại, nhiều giáo viên trẻ có năng lực đã chọn chuyển sang những ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Điều này không chỉ gây thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục mà còn làm giảm sự hấp dẫn của nghề giáo đối với thế hệ trẻ.
Lực lượng nhà giáo hiện tại say nghề, yêu trò, nỗ lực tu dưỡng, hết mình vì sự nghiệp trồng người, số không nhỏ hy sinh cả tuổi thanh xuân nơi những vùng xa xôi để đem con chữ tới cho trẻ em. Nhưng mức lương thấp, không đủ trang trải khiến nhiều người muốn bỏ nghề và đã bỏ nghề. Nhiều giáo viên ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm nhiều việc để kiếm sống.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Hoàng Phong
- Điểm nghẽn này ngành Giáo dục và Đào tạo lại không thể tự tháo gỡ vì lương giáo viên không do ngành quyết định. Bộ trưởng có đề xuất gì?
- Nhà giáo không mong sự đãi ngộ gì quá đặc biệt, chỉ cần được trả công đúng với chi phí sức lao động và cuộc sống đảm bảo tối thiểu, không quá khó khăn, nhất là với nhà giáo mới vào nghề, tuổi còn trẻ.
Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất giải pháp tháo gỡ nút thắt này. Cụ thể, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Thầy cô tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.
Giáo viên cấp học mầm non, công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; thực hiện giáo dục hòa nhập; là người dân tộc thiểu số và ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Họ cũng được hỗ trợ về chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ, được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định... Giáo viên tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Giáo viên là nghề vất vả. Thầy cô giáo không chỉ làm việc vào lúc lên lớp, mà còn rất nhiều việc khác như soạn bài, chấm bài, dạy phụ đạo, tiếp phụ huynh, tổ chức sự kiện, tham gia các phong trào thi đua. Xây dựng bài học, kiểm tra, chấm điểm, vào điểm, nhận xét học bạ, xử lý các tình huống va chạm giữa học sinh... sẽ lấy đi của thầy cô rất nhiều thời gian và năng lượng.
Nghề giáo không được thiết kế để làm giàu mà phụng sự xã hội, lấy sự phát triển của học trò làm thành công của nghề nghiệp. Họ đang nhận về phần ít hơn so với sức lao động mình đã đóng góp. Nhưng giáo viên cũng cần được trả lương ở mức đảm bảo chi trả những nhu cầu tối thiểu của gia đình, tái tạo sức lao động và đủ nuôi con cái. Với mức lương hiện tại, giáo viên trường công đang phải cố gắng co kéo để có thể sống được với nghề. Vì vậy, chúng tôi mong Quốc hội cân nhắc ưu tiên ngành giáo, với tầm quan trọng của sản phẩm mà họ tạo ra cho xã hội.
- Với những yêu cầu ngày càng cao của công tác giảng dạy hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên cần có những thay đổi căn bản như thế nào để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu thực tế?
- Việc quản lý nhà giáo hiện nay dựa trên Luật Viên chức, đồng nghĩa với việc nhà giáo được tuyển dụng và quản lý giống như các viên chức khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý chuyên môn đối với nhà giáo, không quản lý số lượng, biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm, vì ở địa phương việc này được giao cho Sở Nội vụ làm đầu mối. Điều này dẫn đến vướng mắc trong xây dựng chính sách riêng biệt, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đặc thù của ngành giáo dục.
Vì vậy, dự thảo luật Nhà giáo đề nghị giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định. Ngoài ra, Bộ được điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng giáo viên.
Khi đó, quy trình tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu theo từng cấp học, trình độ đào tạo. Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập cũng sẽ được quy định đầy đủ, làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành Giáo dục.
- Với vai trò là "người dẫn đường" cho thế hệ trẻ, Bộ trưởng mong muốn các thầy cô giáo sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển của giáo dục nước nhà?
- Đất nước muốn phát triển nhanh để trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất tốt, năng lực tốt, thể chất tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt, đặc biệt là nhân lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, các ngành đem lại vị thế, ưu thế cạnh tranh cho đất nước trên trường quốc tế. Đây là đòi hỏi lớn và khó đối với ngành giáo dục.
Tuy nhiên tôi cho rằng thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại.
Phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số là những điều nhà giáo chúng ta cần phải nắm chắc. Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn.
"Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách", đất nước trước cơ hội hưng thịnh, trí thức có trách nhiệm rất lớn. Các nhà giáo, bậc tri thức chúng ta dứt khoát cần phải trả lời câu hỏi: làm thế nào để đáp lại sự phó thác, tin tưởng, giao trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân? Sự báo đáp của người trí thức xưa nay vẫn phải và nên theo tinh thần "ơn nước một bầu cần đáp lại bằng cả dòng sông".
Trong các chỉ đạo gần đây, Tổng Bí Thư Tô Lâm đã một lần nữa khẳng định vai trò của nhà giáo, là "đầu tàu của giáo dục", là lực lượng quan trọng nhất quyết định tới nguồn nhân lực. Vì vậy, tôi mong rằng những giá trị từ truyền thống như "học không biết chán, dạy không biết mỏi", tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa của mỗi nhà giáo sẽ luôn được giữ vững. Mỗi thầy cô cần đổi mới, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học. Đó là các giá trị vĩnh hằng để người thầy xứng đáng là người thầy trong mọi thời đại.
Nguồn: [Link nguồn]
Đề cập tới việc phổ cập tiếng Anh trong giáo dục, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu quan điểm: "Nếu thầy không có tiếng Anh, làm sao học sinh có tiếng Anh được?...