Bộ trưởng Nên nói về biệt thự của ông Truyền

Tại cuộc họp báo Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ suy nghĩ cá nhân xung quanh biệt thự sang trọng của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Câu chuyện về biệt thự, tài sản "khủng" của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đang được dư luận đặc biệt quan tâm đã được đưa ra tại Phiên họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều 28/2.

Cụ thể, thời gian qua, dư luận xôn xao bàn tán về cơ ngơi đồ sộ của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Cơ ngơi này được mô tả như “dự án gia đình” tọa trên lô đất chừng 30.000m2 với 1 biệt thự hoành tráng, 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ không dùng đến một cái đinh sắt… Đáng chú ý, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi khác ở TP.HCM: 1 phường Thảo Điền (Quận 2), 1 ở Quận 5 và 1 ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng...

Ngoài ra, cũng xuất hiện tin đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông Truyền có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng…

Trả lời báo chí sau đó, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng thừa nhận có dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, xây cất trên diện tích đất của người con trai. Phần nhà được xây từ tiền tích cóp của gia đình ông và có sự đóng góp hỗ trợ từ nhiều người thân quen.

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết,  Chính phủ cũng chưa có bất cứ thông tin nào ngoài báo chí đăng tải.

Trên quan điểm cá nhân, ông cho rằng, câu chuyện này có “hai vấn đề cần suy nghĩ”.

Theo ông Nên, ông Truyền là cán bộ lãnh đạo ở cơ quan Trung ương đã về hưu, hiện là Đảng viên đang sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở theo hệ thống chính trị của Đảng. Quy định đối với tổ chức cơ sở Đảng là rất chặt chẽ đối với người đang công tác và về hưu.

Ông Nên nói: “Trách nhiệm Đảng viên khi có vấn đề do công luận, báo chí đặt ra, là hợp tác tốt để làm rõ”.

“Tôi nghĩ, qua theo dõi trên mạng và báo chí, ông Truyền cũng sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm, nhất là báo chí, để giải trình làm rõ”.

Bên cạnh đó, ông Truyền là một công dân, được pháp luật bảo vệ nên quyền công dân của ông phải được tôn trọng.

“Khi nói có thể chúng ta suy diễn mặt này mặt khác, đó là quyền của chúng ta, nhưng khi đặt vấn đề nói về một con người, ta nên suy nghĩ về mức độ để sau đó, các cơ quan có trách nhiệm sẽ tham gia, vào cuộc”.

“Bản thân ông Truyền cũng có trách nhiệm giải trình làm rõ để đưa ra kết luận thực hư thế nào. Nếu vượt qua mức đó thì sẽ tạo ra những rắc rối không cần thiết", ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Theo Người phát ngôn của Chính phủ, câu chuyện cũng không dừng lại ở đó, các cán bộ phải xem xét lại để thấy người dân luôn đặt kỳ vọng, niềm tin... dù cán bộ đang làm việc hay đã nghỉ hưu. Từ đó có cách sống và hành động cho đúng với niềm tin đó.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 27/2, tại địa phương, các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre thống nhất sẽ có văn bản báo cáo gửi Văn phòng Trung ương Đảng.

Tỉnh ủy Bến Tre cho biết đã nắm được các tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền Truyền đang sở hữu. Tỉnh ủy cũng đã tập hợp các thông tin bước đầu, chờ ý kiến chỉ đạo từ phía Trung ương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN