Bộ trưởng Giáo dục lên tiếng vụ điều giáo viên đi tiếp khách
“Giáo viên tiếp khách về chuyên môn, nói rõ về chính sách giáo dục, động viên các cháu tới trường thì lành mạnh, còn tiếp khách mà "không trong sáng" thì không được”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Mấy ngày qua dư luận bức xúc về việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã nhiều lần gửi công văn đến Phòng GD&ĐT, các trường mầm non, tiểu học, THCS đóng trên địa bàn với nội dung điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn. Văn bản này khiến hàng chục giáo viên trở thành “lễ tân” trong các cuộc liên hoan, ăn uống tiếp khách của thị xã.
Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp sáng 14/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, giáo viên thực hiện tiếp khách về chuyên môn, nói rõ về chính sách giáo dục, động viên các cháu tới trường thì lành mạnh, "còn tiếp khách mà “không trong sáng” thì không được".
Theo quy định của Luật Công chức viên chức thì không được uống rượu bia trong giờ hành chính, với giáo viên thì “tuyệt đối không được” như lời ông Nhạ.
“Chúng tôi đã có chỉ đạo ngay, bởi việc này không chỉ dừng lại ở một địa phương. Một vấn đề ảnh hưởng tới uy tín của ngành, không đúng với tôn chỉ mục đích của ngành thì Bộ phải có chỉ đạo. Nếu thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, chúng tôi nhắc nhở. Nếu thuộc thẩm quyền Bộ GD&ĐT, chúng tôi có ý kiến. Vấn đề xảy ra hàng ngày thì không tránh khỏi, còn vấn đề không đúng đường hướng, vi phạm phẩm chất giáo viên thì phải xử lý ngay.
Các thầy cô giáo ngoài việc làm chuyên môn, còn là một tấm gương cho các học sinh. Đã làm tấm gương thì không thể nói trong giờ hành chính thì chấp hành, ngoài giờ hành chính thì không chấp hành. Đã là một giáo viên thì phải chấp hành hình ảnh người nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh, nhân dân”, Bộ trưởng nêu, đồng thời nhấn mạnh phải nghiêm túc rút kinh nghiệm từ việc này.
Bộ trưởng Nhạ nói thêm, Luật Giáo dục có hẳn một chương nói về giáo viên, trong đó có quy định về phẩm chất giáo viên, tất cả mọi người đều phải chấp hành. Trên cơ sở quy định đó, Bộ có hướng dẫn năm học, hướng dẫn chỉ thị, các thầy cô phải giữ nguyên tắc phẩm chất. Khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, sau đó mới tính đến người ép buộc.
“Ai sai tới đâu xử lý tới đấy. Các thầy cô cũng phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị, chứ mình thực hiện là vi phạm. Tôi đề nghị phải nghiêm từ trong ngành, từng thầy cô một phải nghiêm túc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.