Bộ trưởng GD: Nhiều bài thi nhòe nước mắt
“Bài thi văn năm nay của các cháu, rất nhiều bài mực nhòe nước mắt của học sinh và cô giáo” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói trước Quốc hội chiều nay (13/6).
Phiên chất vấn chiều 13/6, bên cạnh “nhân vật chính” Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng có mặt sẵn sàng “chia lửa”.
Đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) đề cập thực trạng hiện nay một bộ phận không nhỏ lớp trẻ thích tạo cho mình một phong cách riêng không giống ai. Từ cách ăn mặc, đi đứng cho đến cách sử dụng ngôn từ trong giao tiếp hàng ngày... Nhiều đại biểu khác cũng đặt vấn đề về tình trạng xã hội bị xuống cấp về văn hóa và đạo đức, bạo lực học đường...
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu nguyên nhân do đặc điểm tâm lý lứa tuổi còn nhỏ, muốn tự khẳng định mình. "Các cụ ta thường nói 'khôn đâu đến trẻ'" - Bộ trưởng nói. Ngoài ra chính sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường, hành vi bạo lực xuất hiện tràn ngập trong cuộc sống đời thường cũng như trên phim ảnh, sách báo... tác động đến tâm lý trẻ.
“Bài thi văn năm nay của các cháu, rất nhiều bài mực nhòe nước mắt của học sinh và cô giáo” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói trước Quốc hội chiều nay (13/6) - Ảnh minh họa
Về phía nhà trường, giáo dục cho học sinh còn hạn chế, chưa tạo sự lay động cho học sinh. Giáo dục đạo đức, lối sống chưa nhiều; Phối hợp giữa nhà trường và xã hội, đảm bảo môi trường an ninh chưa chặt chẽ, giáo dục kỹ năng sống chưa đi vào chiều sâu...
Để giải quyết, ngành giáo dục đã đổi mới phương pháp dạy, học, thi cử. Ngành đã lồng ghép cuộc vận động, học tập theo tấm gương của Bác Hồ bằng hành động cụ thể của thầy cô giáo để thuyết phục các cháu. Tôn vinh gương các thầy cô trong ngành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tiêu cực làm trong sạch môi trường giáo dục.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc đổi mới nội dung dạy học và thi được thể hiện cụ thể qua kỳ thi THPT vừa qua.
“Bài thi văn của các cháu, rất nhiều bài mực nhòe nước mắt của học sinh và cô giáo. Đề thi đã tạo sự lay động không chỉ cho các cháu học sinh mà đến cả các thầy cô giáo”, ông Luận cho hay.
Bên cạnh đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, Bộ chỉ đạo các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ trên lớp, phù hợp với lứa tuổi, cấp học. Điều này giúp cho việc học văn hóa, rèn luyện sức khỏe phối hợp đồng bộ cho nhau.
Bên cạnh đó, Bộ GD – ĐT triển khai dạy hát dân ca có sự phối hợp với ngành văn hóa, bồi dưỡng tình yêu quê hương, góp phần bồi đắp tình cảm cho các cháu. Ngoài ra, phối hợp giữa các bộ ngành, ký kết với Bộ Công an về phòng chống ma túy, đảm bảo an ninh trong nhà trường.