Bộ trưởng GD: Cách dạy ngoại ngữ của chúng ta không giống ai

Trả lời trước Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng cách dạy, cách học, thi ngoại ngữ hiện nay của chúng ta không giống ai trên thế giới.

Sáng 11/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận trước Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thi cử là khâu đột phá, nhưng có ý kiến cho rằng thi cử chỉ là phần ngọn, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học mới là phần gốc.

Nữ đại biểu chất vấn: “Vì sao chưa đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã đổi mới thi cử? Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?”.

Nữ đại biểu đặt vấn đề tiếp theo, trong khi trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên Việt Nam còn nhiều bất cập, trở thành một trong những rào cản của quá trình hội nhập. Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, tuy nhiên tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngành giáo dục lại quyết định môn thi ngoại ngữ là môn tự chọn. Đề nghị Bộ trưởng giải thích vấn đề này?

ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cũng cho rằng, thực tế, trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ, tuy nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua Bộ quyết định chuyển môn thi ngoại ngữ bắt buộc thành môn thi khuyến khích.

Dư luận cho rằng điều này đi ngược lại xu thế phát triển, hội nhập thế giới, lãng phí nguồn kinh phí hàng ngàn tỷ đồng cho đề án trên.

Bộ trưởng GD: Cách dạy ngoại ngữ của chúng ta không giống ai - 1

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (Ảnh infonet)

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, khi thiết kế chương trình dạy và học, ví dụ như lần đổi mới tới đây, phải thiết kế chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, rồi tính đến chuyện thi cử đồng bộ.

Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình triển khai dạy học, thi cử có thể có những thay đổi thi cử dẫn đến thay đổi quá trình dạy và học.

Bộ trưởng cho biết, kỳ thi THPT vừa qua, có những thay đổi căn bản, từ chỗ kiểm tra kiến thức học thuộc lòng, nay kiểm tra kiến thức, khả năng vận dụng giải quyết vấn đề...

Từ chỗ kiểm tra từng bài học, nay tổng hợp kiến thức toàn khóa học, kiến thức xã hội, chính trị, pháp luật... tạo nên sự lan tỏa. Học sinh rất hứng khởi làm bài.

Ông nói: “Qua phương tiện truyền thông tin, chúng tôi nhận được thông tin, từ kết quả của kỳ thi, các thầy cô giáo hình dung được việc phải thay đổi cách dạy và học. Chuyển từ dạy và học theo lối chuyền thụ kiến thức sang chú trọng kỹ năng, phẩm chất...”.

Ông kết luận, trong từng giai đoạn, nếu thiết kế chương trình, nội dung phương pháp phải thiết kế chương trình dạy học trước, thiết kế nội dung thi cử sau. Trong quá trình điều hành chỉ đạo việc dạy, học, thi có thể đổi mới thi cử trước.

Về việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ, tuy nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua môn thi ngoại ngữ là môn thi tự chọn. Bộ trưởng cho rằng, chủ trương nhất quán là đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ cho nguồn nhân lực.

Bộ đã tổ chức khảo sát, trong đó có khảo sát môn học, bậc học, khảo sát dạy và học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh.

Ông nói: “Thấy rằng cách dạy, cách học, thi ngoại ngữ hiện nay của chúng ta không giống ai trên thế giới”.

“Chúng ta dạy, học chủ yếu là ngữ pháp, cho nên học hết phổ thông không nói được, người ta nói cũng không hiểu được. Cho nên phải thay đổi cách dạy, cách học”.

Giáo viên dạy trong nhà trường phổ thông dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn. Nhiều cháu học ở trung tâm ngoại ngữ về phát âm rất giỏi, thầy cô lại chế. Đây là một thực tế.

Bộ trưởng khẳng định, dứt khoát chấm dứt tình trạng nhận được bằng, chứng chỉ tốt nghiệp nhưng không sử dụng ngoại ngữ vào công việc thực tiễn được. Do vậy, trước mắt cân chỉnh lại cách dạy, cách học của môn ngoại ngữ cho đúng hướng, rồi đẩy tăng tốc, không tăng tốc theo hướng cũ.

Trước đây thi ngoại ngữ bắt buộc, Bộ trưởng cho rằng, cũng không phải bắt buộc hoàn toàn. Những chỗ nào chưa có điều kiện, có thể cho thay thế.

“Chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh, hiện nay đang tập trung, làm tốt khâu đào tạo lại, đội ngũ giáo viên giảng dạy. Sau đó, có chương trình sách giáo khoa mới, cách dạy, cách học mới, lúc đó sẽ tổ chức việc thi bắt buộc”.

Trả lời câu hỏi vì sao xác định đổi mới thi cử là giải pháp đột phá?  Bộ trưởng Luận cho tằng, vì triển khai Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bao gồm hai khối công việc tương đối độc lập nhau.

Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng mới hoàn toàn chương trình giáo dục phổ thông, đại học theo lối phát triển năng lực. Trên cơ sở đó, biên soạn bộ sách giáo khoa mới phù hợp với chương trình đó. Thiết kế cách dạy, cách học, cách thi mới phù hợp với chương trình sách giáo khoa đó. 

Khối công việc thứ hai, với các thầy cô, học sinh đang dạy và học chương trình hiện nay (chương trình truyền thụ kiến thức), cũng phải thay đổi. Không thể y như cũ, phải thay đổi cách dạy, cách học, thi, kiểm tra để từng bước nâng cao chất lượng.

Theo Bộ trưởng, đưa Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vào cuộc sống được triển khai bằng các giải pháp như kiểm tra giảm tải, thay đổi nội dung, bỏ kiến thức xa rời cuộc sống, thay đổi cách thi theo hướng mới.

“Từ thay đổi cách thi dẫn tới sự lan tỏa thay đổi cách dạy cách học trong nhà trường, thay đổi nhận thức toàn xã hội”, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói.

Để nhận ngay ĐIỂM THI Tốt Nghiệp 2014, soạn tin:

DIEM Mãtỉnh Sốbáodanh gửi 8702

VD: Thí sinh tại Hà Nội, có SốBD là 102886. Soạn tin:

DIEM 1A 102886 gửi 8702

Xem chi tiết bấm đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN