Bộ trưởng Công an: Tội phạm tham nhũng, kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp
Thời gian qua, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu.
Tạo “sức đề kháng” cho người dân
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang thay mặt Chính phủ gửi báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 (từ tháng 10/2023 đến hết tháng 9/2024).
Bộ trưởng cho biết, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 54.127 vụ (tăng 12,53%), làm 1.158 người chết (giảm 3,5%), 10.253 người bị thương (tăng 8,66%), thiệt hại tài sản 11.253 tỷ đồng.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Ảnh: QH
Nổi lên là tội phạm giết người thân do mâu thuẫn gia đình, tình cảm tuy giảm 7,53% về số vụ, song xảy ra nhiều vụ đối tượng thực hiện hành vi ghê rợn, mất nhân tính. Trong đó có một số vụ giết người, phân xác, dùng xăng đốt để giết người; số vụ giết người do đối tượng “ngáo đá”, người tâm thần thực hiện tăng 8,85%.
Báo cáo cũng cho thấy, tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí, vũ khí “nóng” giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, người dưới 18 tuổi gây án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng diễn biến phức tạp.
Cũng theo Bộ trưởng Công an, tội phạm cướp ngân hàng, cướp cửa hàng vàng tăng 15,27%, tái diễn tình trạng các đối tượng không quen biết nhau từ trước, do nợ nần không có khả năng trả nợ nên tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội để bàn bạc, thống nhất kế hoạch đi cướp tài sản.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao, hoạt động trên không gian mạng, có yếu tố nước ngoài, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, “tín dụng đen” còn phức tạp; phát hiện nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu, điều hành hoạt động phạm tội quy mô đặc biệt lớn.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành địa phương ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội.
Cùng với đó, chủ động nhận diện phương thức phạm tội mới của các loại tội phạm; qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo “sức đề kháng” cho người dân...
Nhận diện đúng và trúng các hành vi tham nhũng, tiêu cực
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu.
Các phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư của nhà nước để trục lợi, nhận hối lộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng; lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi gây bức xúc trong Nhân dân. Báo cáo viện dẫn điển hình là vụ án tại Công ty Cổ phần tập đoàn Phúc Sơn; vụ án tại Công ty cổ phần tập đoàn Thuận An.
Cùng với đó là các vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tham nhũng tại các doanh nghiệp cổ phần, đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tội phạm, vi phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, kế toán, thuế, khai thác tài nguyên, khoáng sản...
Đáng lưu ý, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Bộ Công an đã khởi tố 4 vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam; tại Công ty Điện lực Bình Thuận và tập đoàn Tuấn Ân; tại Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn và tại Công ty cổ phần tập đoàn Thuận An.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường lực lượng, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các lĩnh vực quản lý kinh tế như tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng;
Cùng với đó, chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, xây dựng cơ bản, đầu tư công, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả…
Tập trung nhận diện đúng và trúng các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực nhạy cảm gây bức xúc trong thời gian dài; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án lớn, vụ án mới với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”…
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 17/10, Thanh tra Chính phủ cho biết, đơn vị vừa công bố công khai 3 Kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên...