Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Bỏ cấp Tổng cục vì "rất hình thức"
Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Tổng cục là cấp trung gian, rất hình thức bởi nó không phải cấp hành chính, không quan hệ được với cấp Bộ, ngành.
Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 sáng 18/1, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an đã chia sẻ rất nhiều về quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy của Bộ Công an.
Cấp Tổng cục “rất hình thức”
Nhấn mạnh mục tiêu, bản chất chính của việc này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng đây thực sự là sự thay đổi trong tư duy, phong cách, lề lối làm việc chứ không chỉ thay đổi về bộ máy. “Tư duy mới, phương pháp mới rất quan trọng, có thể góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy”, ông Lâm nói.
Trong sắp xếp lại bộ máy, Bộ trưởng Công an lưu ý có 2 việc rất lớn là không tổ chức cấp trung gian và đưa lực lượng xuống bám sát cơ sở, bám vào dân.
Lý giải về quyết định bỏ cấp trung gian là cấp Tổng cục, Bộ trưởng Công an cho biết, trước khi bắt đầu đề xuất tổ chức bộ máy mới vào năm 2018, ngành công an đã có lịch sử 72 năm hình thành và phát triển, trong đó 36 năm có tổng cục và 36 năm không có tổng cục.
“Vì sao có Tổng cục?” - Tướng Tô Lâm đặt vấn đề và lý giải, việc này xuất phát điểm đầu tiên từ chủ trương sẽ xây dựng những đơn vị nòng cốt để tách 2 Bộ.
“Lúc ấy, Bộ Chính trị có chủ trương tách 2 Bộ là An ninh, và Bộ Công an phụ trách lực lượng Cảnh sát. Xây dựng 2 lực lượng An ninh và cảnh sát để làm nòng cốt cho tách Bộ, nhưng đây lại không quy định là một cấp quản lý hành chính. Trong quá trình diễn biến, đến lúc các lực lượng khác cũng đòi thành lập, có cấp tổng cục tương xứng, nên có lúc lên 8 tổng cục, rồi thu gọn lại thành 6 tổng cục. Và hệ “chân rết” ở địa phương là Ban chỉ huy An ninh, Ban chỉ huy cảnh sát của 2 Tổng cục này cũng thực hiện được mấy năm thì thấy quá cồng kềnh, phức tạp nên giải tán ngay. Cuối cùng chỉ còn Bộ là còn cấp Tổng cục” - Bộ trưởng Công an phân tích.
Ông cũng thừa nhận Tổng cục là cấp trung gian, rất hình thức bởi nó không phải cấp hành chính, không quan hệ được với cấp Bộ, ngành, địa phương (vì cấp Bộ mới làm việc được). Cấp Tổng cục, theo ông Lâm cũng không chỉ đạo được cả địa phương.
Về nhiệm vụ tăng cường lực lượng bám sát cơ sở, sát với dân, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh đây là lực lượng quan trọng vì tất cả mọi vấn đề về an ninh trật tự đều xuất phát từ cơ sở.
“Nhiệm vụ, tư duy của chúng tôi mới là xây dựng xã hội trật tự từ xóm làng, khu phố, làm sao giảm được tỷ lệ tội phạm. Nếu chỉ tập trung đấu tranh, điều tra khám phá vụ án - dù đây là nhiệm vụ rất quan trọng của công an, nhưng vẫn không thể ngăn chặn tội phạm được, nên biên chế tổ chức không thể phát triển theo hướng như vậy” - tướng Tô Lâm chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh, bộ máy mới phải gắn liền với cách làm mới, tư duy mới. Cái này đang trong quá trình chuyển động, thay đổi. Việc sắp xếp cũng là dịp để đánh giá lại đội ngũ cán bộ từ tất cả các khâu như tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cho đến chính sách cán bộ.
Đề cập đến kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, Bộ trưởng Công an cho biết sắp xếp bố trí cán bộ cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu công tác, thực hiện nghiêm nguyên tắc Giám đốc Công an tỉnh, trưởng công an cấp huyện không phải người địa phương.
“Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, việc sắp xếp bộ máy của Bộ Công an đã tiết kiệm 1.000 tỷ đồng” - ông Lâm thông tin.
Người đứng đầu ngành công an cũng nhận định, tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động đã đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, không gây gián đoạn, xáo trộn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của công an các cấp, không để một ngày, một giờ nào nhân dân không được phục vụ.
Khó khăn khi sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy
Chia sẻ thêm về một số khó khăn, thuận lợi trong sắp xếp, tổ chức bộ máy trong lực lượng CAND, Bộ trưởng Công an cho biết có nhiều thuận lợi như có sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Bộ chính trị, Ban Bí thư với Đảng uỷ Công an T.Ư.
Đảng bộ Công an T.Ư, Bộ Công an và cán bộ chiến sĩ có quyết tâm chính trị cao, đoàn kết thống nhất, kiên định, quyết tâm đổi mới, gương mẫu đi đầu, dám hy sinh một phần quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung.
Cùng với đó, có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Sự giám sát của nhân dân trong việc này là rất quan trọng.
Về khó khăn, ông Lâm cho biết trong quá trình sắp xếp còn phát sinh bất cập về cơ sở pháp lý, vấn đề này nếu không khéo trở thành cái cản trở, làm chậm quá trình triển khai.
Đặc biệt, tướng Tô Lâm chia sẻ, còn khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy vì “bộ máy lớn mà thu gọn lại rất khó khăn”.
Cùng với đó là vấn đề thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ chiến sĩ ở những đơn vị sắp xếp, giải thể. Ở những đơn vị mới thì với cách tư duy mới cũng có khó khăn khi chuyển đổi ngay vào mô hình đó.
Một số bài học kinh nghiệm được ông Lâm nhấn mạnh là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự thành công của việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy. Phải phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết thống nhất, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Theo Bộ trưởng Công an, tới đây, ngành công an được xác định nhiệm vụ ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn, nhưng kiên định mục tiêu xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh.
Cùng với đó, chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đảm bảo tốt nhân sự công an tham gia cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tham gia BCH T.Ư khoá XIII. Theo tính toán, có khoảng 55 Giám đốc Công an tỉnh được chuẩn bị tốt để chuẩn bị cho tổ chức Đại hội các cấp các địa phương sẽ tiến hành từ đầu 2020.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề cập việc nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc về những vụ việc vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của cán bộ Đảng viên trong thời gian qua, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ gắn với thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự phê bình; Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng CAND, phân công phân cấp mạnh mẽ, giao quyền cụ thể gắn với trách nhiệm rõ ràng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành nghiêm minh với tinh thần không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ.
Sau khi tổ chức lại bộ máy, Bộ Công an đã giảm 35 cán bộ lãnh đạo tổng cục, 55 cục trưởng và tương đương, 287 trưởng...