Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình bày dự án luật trước Quốc hội
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, việc bổ sung khái niệm về 'mua bán người' là nhằm tạo sự thống nhất trong các quy định hiện hành cũng như điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.
Chiều 7-6, Quốc hội nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Bổ sung khái niệm “mua bán người”
Trình bày tóm tắt tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thông tin dự thảo Luật gồm 8 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều, tập trung vào các nội dung cơ bản.
Đáng chú ý, dự thảo luật đã bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: PHẠM THẮNG
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật, phù hợp với Nghị định thư về việc phòng ngừa, trừng trị và trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên. “Điều này cũng bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”– ông Quang nói thêm.
Dự thảo Luật quy định mua bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.
Việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: PHẠM THẮNG
Còn nhiều điểm chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết cơ quan này cơ bản tán thành với dự thảo Luật, việc bổ sung khái niệm “mua bán người” là một trong những điểm mấu chốt của lần sửa đổi này và là cơ sở để đổi mới căn bản về chính sách trong công tác phòng, chống mua bán người.
Theo đó, việc làm rõ khái niệm “mua bán người” làm căn cứ để xác định rõ các hành vi vi phạm cụ thể, các hành vi cần phòng ngừa. Cùng đó, xác định rõ “nạn nhân”, “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, trên cơ sở đó đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể.
Việc này còn giúp định hình các chính sách phòng ngừa, biện pháp, công cụ đấu tranh, xử lý phù hợp, cũng như làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự để xử lý loại tội phạm này.
Từ những yêu cầu đặt ra nói trên, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật được mở rộng phạm vi hành vi mua bán người đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Cụ thể, việc “chuyển giao hoặc tiếp nhận” người dưới 18 tuổi nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng thủ đoạn.
Đồng thời, việc “tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp” không cần để chuyển giao, tiếp nhận nếu gắn với mục đích (đối với người dưới 18 tuổi) hoặc gắn với mục đích, thủ đoạn (với người từ 18 tuổi trở lên) cũng được coi là mua bán người.
Ủy ban Tư pháp cho rằng với tư cách là một đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người thì việc mở rộng hơn hành vi mua bán người so với quy định của Bộ luật Hình sự là phù hợp.
“Điều này phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong phòng ngừa và đấu tranh đối với nạn mua bán người, vừa bảo đảm tiệm cận quy định tại các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên” – bà Nga thông tin.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, qua rà soát cho thấy nội dung mô tả hành vi “mua bán người” như dự thảo với Bộ luật Hình sự còn có điểm chưa đồng bộ, thống nhất.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định: “Việc vận chuyển, chuyển giao người dưới 18 tuổi nhằm nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất” là hành vi mua bán người. Trong khi đó, Điều 151 Bộ luật Hình sự quy định hành vi “chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo” mới bị coi là hành vi mua bán người và bị xử lý hình sự.
Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có phương án bảo đảm sự đồng bộ về khái niệm “mua bán người” giữa Luật này với quy định của Bộ luật Hình sự.
Trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân của buôn bán người Một điểm đáng chú ý khác, khoản 3 Điều 37 của dự thảo Luật quy định về việc trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của tội phạm mua bán người (khoản 3 Điều 37), Ủy ban Thẩm tra cho rằng điều này là rất cần thiết. Lý giải, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhìn nhận trong nhiều trường hợp, những người này là con được sinh ra trong quá trình người phụ nữ bị mua bán hoặc là người thân thích của nạn nhân. Trong khi, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý dưới 18 tuổi chỉ gồm ba nhóm người. Gồm, trẻ em; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính. Ủy ban Tư pháp cho rằng nếu người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân nếu thuộc trường hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì mới được trợ giúp pháp lý là chưa phù hợp. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được trợ giúp pháp lý như nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. “Cần đánh giá tác động và sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo đảm tính thống nhất” - Ủy ban Tư pháp đề nghị. |
Chiều 6-6, Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026 với Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ tưởng Bộ Công an.
Nguồn: [Link nguồn]