Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo Quốc hội vụ 8B Lê Trực
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, công trình 8B Lê Trực (Hà Nội) được cấp phép xây dựng với chiều cao giật cấp, phía trước cao 44m, phía sau cao 53m. Nhưng sau đó, chủ đầu tư đã xây công trình cao tới 69m.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay của Quốc hội, theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.HCM) về sai phạm trong xây dựng tại công trình 8B Lê Trực (Hà Nội) - vụ việc đã gây bức xúc trong xã hội thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM) về sai phạm trong xây dựng tại công trình 8B Lê Trực (Hà Nội)
Ông Dũng cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận, báo chí, Bộ đã phối hợp với UBND TP Hà Nội kiểm tra rà soát, đưa ra các biện pháp xử lý đối với vụ việc.
Theo đó, công trình này được UBND TP Hà Nội cho phép và Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng với chiều cao giật cấp, phía trước cao 44m, phía sau cao 53m. “Nhưng sau đó, chủ đầu tư là Công ty may Lê Trực đã xây công trình cao tới 69m, như vậy là sai so với giấy phép được cấp”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Bộ trưởng báo cáo: Ngày 26.10, Thường trực Chính phủ đã họp với Thủ tướng Chính phủ nghe báo cáo về sai phạm, buổi họp có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và đại diện Thành phố Hà Nội tham gia. Sau đó, Thủ tướng đã kết luận: Vụ việc sai phạm này là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện sự hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Bộ trưởng Dũng nhắc lại: Để giữ nghiêm kỷ cương quản lý trật tự xây dựng đô thị, Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát, đánh giá đúng tình hình, xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định. Chủ đầu tư công trình phải báo cáo phương án, nêu biện pháp khắc phục hậu quả, làm sao đảm bảo an toàn và mỹ quan xây dựng.
Cũng từ vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Bộ cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt là quản lý đô thị ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, trước hết là quan tâm tới quy hoạch, thiết kế đô thị, có khung quản lý hài hòa giữa cảnh quan và kinh tế.
“Bộ Xây dựng sẽ phối hợp tích cực hơn với các địa phương để kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các công trình xây dựng trái phép, vi phạm pháp luật để góp phần ổn định công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị”, ông Dũng khẳng định.