Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về 'phút 89' cải cách tiền lương
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, nhiệm vụ thực hiện cải cách chính sách tiền lương là thành công và thắng lợi lớn của toàn ngành nội vụ.
Sáng 8/7, tại TPHCM, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết toàn ngành đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống, thể chế chính sách có liên quan. Bộ Nội vụ đã hoàn thiện hệ thống, thể chế chính sách trên lĩnh vực công vụ, công chức, lĩnh vực cải cách tiền lương, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính và các nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng
Bộ trưởng ghi nhận, các địa phương đã nỗ lực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách cho các lĩnh vực của ngành nội vụ, nhất là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng như cải cách nền hành chính, đặc biệt là tập trung ổn định sự phát triển của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Bộ trưởng đánh giá đây là điểm nhấn rõ nét, tích cực trong 6 tháng qua.
Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương hết sức cố gắng, quyết liệt tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo Bộ trưởng, đến nay chúng ta đang ở giai đoạn tăng tốc để về đích và các địa phương đều rất nỗ lực.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này, nhiều địa phương đã có tốc độ rất nhanh, kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Cùng với đó, ngành cũng đã tập trung cho việc tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là ở Trung ương và một số địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc gian nan nhất, khó khăn nhất và cũng thành công ngoạn mục là Bộ đã tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình từng bước hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả.
“Đây là thắng lợi lớn của toàn ngành. Đến phút 89, chưa hiểu sẽ thực hiện theo cách nào. Tuy nhiên, cuối cùng việc cải cách chính sách tiền lương trở thành niềm vui lớn của cán bộ công chức viên chức, người lao động, kèm theo là tất cả các đối tượng có liên quan”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận.
Các đại biểu dự hội nghị.
6 tháng đầu năm, tinh giản 3.853 công chức, viên chức
Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của ngành nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến thống nhất về chủ trương, làm cơ sở trình Quốc hội xem xét, thông qua các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7.
Thứ trưởng Trương Hải Long trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng
Theo đó, Bộ Nội vụ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 nghị quyết và 1 báo cáo; trình Chính phủ ban hành 4 nghị định và 8 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 quyết định, 1 công điện. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 6 thông tư, 2 văn bản hợp nhất.
Đặc biệt, ngành đã tập trung nghiên cứu, rà soát, tổng hợp những vấn đề bất cập trong quá trình triển khai thực hiện 4 luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, làm cơ sở đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các Luật cho phù hợp với thực tiễn.
Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức với tổng số 3.853 người; trong đó các bộ, ngành là 107 người và các địa phương là 3.746 người.
Cùng với đó, các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện tuyển dụng 13.965 công chức, viên chức; tuyển dụng theo Nghị định số 140 được 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (trong đó bộ, ngành tuyển dụng 4 người, các địa phương: 26 người) để bổ sung vào đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của cả nước.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 6-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương