Bộ trưởng Bộ Công an: Xe ưu tiên vượt đèn đỏ là rất vô lý
Sau khi kể câu chuyện đi công tác và tham gia giao thông bằng xe ưu tiên ở nước ngoài, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh: Ai cũng phải chấp hành theo luật, xe ưu tiên cũng phải chấp hành, gặp đèn đỏ phải dừng lại, nếu không rất nguy hiểm và không nghiêm về luật pháp.
Sáng nay (11/11), phát biểu tại tổ của Quốc hội về dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu quan điểm: Việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội đã giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm thì việc giữ trật tự, an toàn giao thông Bộ Công an cũng "không thể đứng ngoài", rất nhiều vi phạm, tội phạm cũng diễn ra ngay trên đường.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (ảnh T.T).
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hai bộ chủ quản là Công an và Giao thông Vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm soạn thảo 2 luật nêu trên cũng rất đồng tình, tán thành. Với việc tách riêng hai luật (từ Luật giao thông đường bộ), Bộ trưởng Công an cho rằng cần làm khẩn trương vì "tình hình không cho phép chậm trễ hơn nữa".
Giải đáp việc băn khoăn có lãng phí không khi tách thành hai luật, Bộ Công an cho rằng, khi đánh giá qua tổng kết hơn 10 năm thực hiện Luật giao thông đường bộ thấy nhiều bất cập, nếu tách 2 luật sẽ tiết kiệm được rất nhiều.
"Việc này không làm phát sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Nếu giao cho ngành công an thì chúng tôi có lực lượng CSGT, phối hợp các lực lượng khác khi cần tăng cường trong các dịp cao điểm", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, khi đã quy định như trong dự thảo luật thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên mặt đường nữa. "Bộ GTVT có đề nghị nếu giao nhiệm vụ cho Bộ Công an thì đề nghị Bộ Công an nhận cho 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho tôi chỉ tiêu này", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Theo ông, sẽ rất bất cập chồng chéo và khó khăn khi CSGT giữ xe rồi Thanh tra giao thông lại đi kiểm tra, vì thực tế cũng không có nước nào làm như vậy.
Nêu giao thêm nhiệm vụ, Bộ trưởng Công an khẳng định lực lượng CSGT sẽ áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong thực thi nhiệm vụ. Ví dụ, ở trên đường cao tốc CSGT tuần tra chỉ cần chốt ở điểm vào và điểm ra, không cần tuần tra trên đường, phương tiện nào vi phạm trên đường cao tốc đã có camera ghi lại và bị xử lý ngay ở điểm ra.
Chia sẻ về kinh nghiệm về quản lý giao thông của các nước, Bộ trưởng Bộ Công an kể việc ông đi công tác nước ngoài, có xe dẫn đường, xe ưu tiên đi đến đâu thì đèn xanh bật đến đó. Ông hỏi và được cảnh sát nước đó giải thích, do trung tâm điều khiển biết xe ưu tiên đi qua nên đều bật đèn xanh. Từ câu chuyện này Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ở nước ta nhiều đoàn xe ưu tiên vượt đèn đỏ là "rất vô lý".
"Ai cũng phải chấp hành theo luật, xe ưu tiên cũng phải chấp hành, gặp đèn đỏ phải đừng lại, nếu không rất nguy hiểm và không nghiêm về luật pháp luật", Bộ trưởng Công an nói và cho rằng việc lưu thông của các đoàn xe ưu tiên phải được điều khiển từ hệ thống.
Cùng với đó, các biển số xe phải được tích hợp trên hệ thống camera để quản lý. Ví dụ ở Trung Quốc, xe của nước ngoài vào được cấp phép nhưng đi đến đâu cũng phải giải trình vì không phải biển kiểm soát được tích hợp trên hệ thống camera của họ.
"Làm được điều này chúng ta sẽ quản lý được ngay biển giả, biển không hợp pháp. Còn hiện nay biển giả không thể chỉ nhìn bằng mắt thường được mà phải bằng khoa học công nghệ", ông nói.
Đối với việc sát hạch và cấp giấy phép lái xe, nhiều băn khoăn về lãng phí cơ sở, nguồn lực khi chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, Bộ trưởng giải thích, các cơ sở đào tạo lái xe chủ yếu là xã hội hóa nên sẽ vẫn hoạt động bình thường.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Bộ này đang đề xuất xử lý hình sự cán bộ sử dụng giấy tờ giả để phục vụ...
Nguồn: [Link nguồn]