Bó tay với ba cây "quái thú" bị bỏ rơi ở Huế
Theo UBND thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế), việc xử lý 3 cây cổ thụ "khủng" - còn được gọi là cây "quái thú" - do một chủ cây ở Hà Nội gửi lại trên đất một hộ dân thuộc địa bàn phường Thủy Châu không thuộc thẩm quyền xử lý của chính quyền thị xã.
Video: Chủ cây Đặng Thị Lan lo sợ từng ngày bên cây "quái thú"
Ngày 11/1, tin từ UBND thị xã Hương Thủy cho biết, vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo kết quả kiểm tra 3 cây cổ thụ (đa sộp) hiện trồng gửi tại địa bàn phường Thủy Châu, Hương Thủy.
Theo đó, từ khi gửi 3 cây cổ thụ tại khu đất của bà Đặng Thị Lan đến nay, chủ cây Kiều Văn Chương (ngụ Thạch Thất, Hà Nội) chưa lần nào liên hệ và làm việc để vận chuyển cây đi nơi khác. UBND thị xã Hương Thủy cho rằng, tài sản này thuộc sở hữu cá nhân.
Chủ đất lo sợ cây cổ thụ đô sập vào nhà đè chết người. Trong khi, chính quyền thị xã Hương Thủy cho rằng, thẩm quyền giải quyết tài sản cá nhân không thuộc cơ quan này
Trong trường hợp chủ cây không vận chuyển, không lấy lại 3 cây đa sộp kể trên, UBND thị xã không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết tài sản. Do đó, UBND thị xã Hương Thủy đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc này theo quy định pháp luật.
Những cây "quái thú" này từng bị CSGT Thừa Thiên Huế chặn giữ do vi phạm quá khổ quá tải và không rõ nguồn gốc xuất xứ
Sau khi chủ cây bổ sung giấy tờ thủ tục chứng minh nguồn gốc cây, 3 cây "quái thú" này lại vướng vấn đề quá khổ quá tải đường sá, cầu cống do chưa tìm được phương tiện vận chuyển phù hợp. Cây được trồng gửi trên đất ở của một hộ dân, ngày càng phát triển khiến chủ đất đêm ngày bất an.
Trong một diễn biến khác, trao đổi với phóng viên sáng 11/1, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, cho biết: Lâu nay, cây đa vẫn được trồng trong sân chùa, vườn nhà mà không bị cấm. Hay như, cây sao đen là cây rừng mà lại trồng trên các đường phố... Do đó, việc 3 cây đa cổ thụ trồng tạm ở phường Thủy Châu là cây không thuộc đối tượng sinh vật ngoại lai cấm trồng tại vùng này.
"Chỉ có quy định pháp luật cấm nuôi trồng các cây và con không có nguồn gốc phân bố tại chỗ tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia. Tức là trong các hệ sinh thái rừng đặc dụng thì không được trồng các cây, con ngoại lai", ông Tuấn phân tích.
Trước đó, như đã liên tục thông tin, cuối tháng 3/2018, CSGT tỉnh Thừa Thiên Huế đã chặn bắt 3 cây cổ thụ chở trên xe tải siêu trường siêu trọng, do vi phạm quá khổ quá tải và không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi từ Tây Nguyên lưu thông qua địa bàn. Đích đến của cây là một tỉnh, thành phía Bắc. Chủ cây là ông Kiều Văn Chương (Hà Nội).
Sau khi chủ cây bổ sung giấy tờ thủ tục chứng minh nguồn gốc cây, 3 cây "quái thú" này lại vướng vấn đề quá khổ quá tải đường sá, cầu cống do chưa tìm được phương tiện vận chuyển phù hợp, nên phải nằm lại đất Huế từ gần 2 năm nay, và chưa biết đến bao giờ mới được di chuyển đi nơi khác.
Mới đây, tiếp xúc với PV, bà Đặng Thị Lan - chủ khu đất tại phường Thủy Châu (Hương Thủy) - nơi cho ông Kiều Văn Chương mượn tạm mặt bằng vốn là đất làm nhà ở để trồng 3 cây “quái thú”, tỏ ra ân hận và rất lo sợ về việc những cây cổ thụ khủng có nguy cơ gây sập đổ nhà bà bất cứ lúc nào. Trong khi, bà Lan lại không biết cách nào liên lạc được với chủ cây Kiều Văn Chương để yêu cầu di dời cây đi nơi khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Gia đình bà Lan vừa ở cạnh cây vừa sợ. Còn chính quyền lại lúng túng trong xử lý 3 "của nợ" đáng sợ này.