Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải vì sao đề xuất thay mẫu sổ đỏ
Mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đảm bảo mỹ quan, bảo mật, góp phần hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính (sổ đỏ). Mẫu sổ đỏ mới có nhiều thay đổi như chuyển từ 4 thành 2 trang, in mã QR. Thông tin thửa đất số, loại đất, thời hạn sử dụng, nguồn gốc sử dụng, địa chỉ trước đây ở trang hai thì nay đưa ra trang một.
Ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã trả lời VnExpress về những thay đổi của mẫu sổ đỏ.
- Thưa ông, vì sao phải thay đổi mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất?
- Việc thay đổi mẫu Giấy chứng nhận xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Trên thực tế, đã có tình trạng làm giả Giấy chứng nhận tại một số địa phương, làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng như các đối tượng khác có liên quan, làm bất ổn tình hình an ninh, trật tự.
Chúng tôi đề xuất thay đổi trên nguyên tắc giấy chứng nhận mới thể hiện tính truyền thống, đã đi vào tiềm thức của người dân nhưng cũng từng bước để người dân tiếp cận với công nghệ, thiết bị thông minh nhằm hiện đại hóa ngành quản lý đất đai. Mẫu giấy mới sẽ giúp đồng bộ với cơ sở dữ liệu về đất đai đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương triển khai xây dựng.
Ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai. Ảnh: VG.C
- Vì sao phải rút gọn Giấy chứng nhận từ 4 trang sang 2 trang, trong khi nhiều giấy không đủ chỗ, phải dùng trang bổ sung đính kèm?
Mẫu Giấy chứng nhận mới được thiết kế trên một tờ giấy kích thước 210 mm x 297 mm, gồm hai trang, trên nền hoa văn trống đồng, màu hồng cánh sen. So với kích thước của mẫu cũ 297 mm x 420 mm (A3) thì mẫu mới được thu lại gọn hơn để phù hợp với các loại máy in, máy quét phổ biến hiện nay của các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Điều này tạo thuận tiện cho người dân khi bảo quản hoặc tham gia giao dịch, giảm thiểu việc hư hỏng, rách nát.
Theo mẫu mới, trang 1 có Quốc hiệu, Quốc huy, QR code, tên "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất", tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và giấy tờ về pháp nhân hoặc thể nhân. Thông tin thửa đất và tài sản gắn liền với đất được thể hiện cơ bản nhất như định danh của thửa đất, diện tích, loại đất, loại tài sản, hình thức sử dụng, sở hữu, địa chỉ thửa đất, tài sản gắn liền với đất, sơ đồ của thửa đất và nơi ký Giấy chứng nhận.
Trang 2 của Giấy chứng nhận được dành để cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung thay đổi trong quá trình sử dụng đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản nhằm tiết kiệm chi phí phải thay Giấy chứng nhận.
Với quy định như dự thảo, tôi cho rằng khi nhìn vào Giấy chứng nhận sẽ thấy được sự trang trọng, mỹ quan, thanh thoát mà vẫn đảm bảo dung lượng thông tin để nhận biết. Thông tin chi tiết về nội dung cấp Giấy chứng nhận trong đó có hướng, vị cụ thể của thửa đất khi người dân, người tham gia giao dịch cần kiểm tra thì sẽ truy cập vào mã QR để khai thác.
Mẫu Giấy chứng nhận mới không sử dụng trang bổ sung để đảm bảo tính toàn vẹn, tránh trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận làm mất trang bổ sung nhưng phải làm thủ tục cấp lại toàn bộ Giấy chứng nhận.
Trang 1 mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đề xuất.
- Ông đánh giá thế nào về tính bảo mật thông tin trong mẫu giấy mới?
- In mã QR trên Giấy chứng nhận là một trong số những điểm mới để hiện đại hóa ngành quản lý đất đai cũng như tăng cường tính bảo mật. Giấy chứng nhận mới chỉ thể hiện thông tin cơ bản để người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ.
Thông tin khác về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, về thửa đất, tài sản gắn liền với đất được lưu trữ, khai thác thông qua mã QR, hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công của các địa phương hoặc đề nghị cung cấp thông tin tại cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, mẫu Giấy chứng nhận mới cũng được thiết kế tăng cường các yếu tố bảo mật, bảo an, bổ sung yếu tố chống giả đóng và chống giả mở. Chống giả đóng là chỉ cơ quan phát hành phôi giấy chứng nhận mới có thẩm quyền xác thực; chống giả mở là để các đối tượng có liên quan có thể xác thực trực quan. Điều này cho phép người dân có thể tra cứu, xác thực thông tin trực tiếp của Giấy chứng nhận với cơ quan có thẩm quyền.
Trang 2 mẫu giấy chứng nhận được đề xuất.
- Lộ trình thay đổi mẫu Giấy chứng nhận mới thế nào?
- Theo Khoản 3 Điều 256 của Luật Đất đai năm 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp trước ngày 1/1/2025 vẫn có giá trị pháp lý và không phải cấp đổi sang mẫu Giấy chứng nhận mới. Trường hợp có nhu cầu thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Hiện dự thảo trong thời gian lấy ý kiến. Người dân có thể truy cập Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để đóng góp ý kiến.
Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể các trường hợp người sử dụng đất không được cấp "sổ đỏ".
Nguồn: [Link nguồn]