Bộ Tài chính nói gì về việc chi hơn 1.000 tỉ mua xe công mới?
Thời gian qua một số dự án như dự án đường sắt đô thị phát sinh vốn lớn.
Ngày 25-5, trong khi Quốc hội (QH) đang thảo luận tình hình kinh tế-xã hội thì Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước”.
Cá nhân, tập thể nào sai phải chịu trách nhiệm
Báo chí đặt câu hỏi về việc có hay không tình trạng địa phương, doanh nghiệp cố tình đưa ra mức vốn đầu tư thấp để dễ dàng được thông qua dự án, sau đó xin điều chỉnh. Thực tế, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng như thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH về quyết toán ngân sách 2016 cũng chỉ ra tình trạng này. Theo đó, hàng loạt dự án bị đội vốn, có khi lên tới gần 300 lần.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, nói “đội vốn” là cách nói dân gian, còn thực tế đó là việc tổng vốn đầu tư tăng so với vốn ban đầu.
“Trong pháp luật đầu tư xây dựng có quy định rất rõ ràng, cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của các đơn vị như chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thẩm tra, phê duyệt, thẩm định… và cũng quy định rất rõ các trường hợp dự án được điều chỉnh” - ông Tuấn Anh nói.
Về nguyên tắc, ông Tuấn Anh cho rằng pháp luật đã quy định rõ việc thực thi của từng cấp, gắn rõ trách nhiệm. “Nếu cơ quan nào sai, cá nhân, tập thể nào sai thì cấp đó, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm” - ông Tuấn Anh khẳng định.
Thừa nhận có chuyện dự án lúc đầu phê duyệt có mức đầu tư thấp, sau đó được điều chỉnh tăng vốn lên cao nhưng ông Tuấn Anh nói cần phải phân tích từng dự án cụ thể. “Sơ bộ có thể thấy do các nguyên nhân từ khâu chuẩn bị đầu tư, tư vấn lập dự án có chất lượng thấp, không đạt yêu cầu…” - ông Tuấn Anh nói.
“Thời gian qua một số dự án như dự án đường sắt đô thị phát sinh vốn lớn. Bộ KH&ĐT đã có báo cáo và đang tiến hành thẩm định báo cáo Chính phủ” - ông Tuấn Anh cho hay.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: CHÂN LUẬN
Đề cập chi tiết hơn, ông Tuấn Anh nói có thể trong quá trình thực hiện dự án, chi phí phát sinh do giải phóng mặt bằng chậm, bố trí vốn không theo tiến độ, không lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực.
Về giải pháp hạn chế tình trạng “đội vốn”, ông Tuấn Anh cho hay: “Pháp luật đã quy định thẩm quyền từng cấp thì cấp nào, người nào làm sai thì cơ quan giám sát phát hiện cấp đó chịu trách nhiệm. Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh toàn quyền quyết định dự án đầu tư. Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cũng không có thẩm quyền đồng ý hay áp đặt phải đầu tư dự án này dự án kia…”.
Vì sao phải chi hơn 1.000 tỉ đồng mua xe công mới?
Trong báo cáo tổng hợp, Bộ Tài chính cho hay chế độ khoán kinh phí sử dụng ô tô theo cơ chế tự nguyện nên còn ít chức danh đăng ký áp dụng, một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án để thực hiện nhưng còn mang tính thăm dò, thí điểm.
Tuy vậy, năm 2015 Thủ tướng có quyết định tiếp tục khoán kinh phí sử dụng ô tô và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án khoán xe. Nhiều bộ, ngành trung ương và một số địa phương đã áp dụng phương án này. Điển hình như Bộ Tài chính TP Hà Nội, TP.HCM.
“Việc khoán kinh phí sử dụng ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng ô tô công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính...” - Bộ Tài chính nêu.
Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi rằng với những tín hiệu tích cực như vậy, vì sao năm 2017, theo báo cáo của Bộ Tài chính, vẫn có tới hơn 1.000 tỉ đồng được chi ra để mua xe công.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, lý giải rằng: Trong tổng số 1.081 xe công được mua trong năm 2017 thì chỉ có 22 xe phục vụ chức danh thứ trưởng vì khi được đề bạt, bổ nhiệm thì các thứ trưởng ấy chưa có xe. Ngoài ra, có thêm 366 xe phục vụ công tác chung và 693 xe chuyên dùng.
“Trong đó có những xe công cần thiết như xe cứu thương 66 cái, xe tập lái 77 cái, xe tải 74 cái, các xe dùng cho xét xử thi hành án, xe chở tiền, xe chở diễn viên, vận động viên biểu diễn, thi đấu, xe chuyên dùng phục vụ công tác kiểm toán nhà nước…” - ông Thắng liệt kê.
Mặt khác, ông Thắng cho rằng khi có tới gần 20 bộ, ngành và địa phương quản lý xe công tốt hơn thì tình trạng sử dụng xe công vào việc riêng như đi lễ, đi chùa gần như không còn.
“Ngoài việc cơ quan, đơn vị có ý thức thì có sự giám sát của cơ quan báo chí và người dân cũng có tác động lớn” - ông Thắng cho hay.
Bộ Tài chính cũng cho hay bộ này đã trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô (sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ QH, thành viên Chính phủ) để xem xét, ký ban hành.
Theo đó sẽ mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng ô tô; khoán bắt buộc đối với một số chức danh; quy định rõ hơn các nội dung về khoán kinh phí sử dụng ô tô như đối tượng, công đoạn, hình thức, mức khoán và đơn giá khoán. Đồng thời giao các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn hình thức khoán để phù hợp với điều kiện thực tế của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Thủ tướng không đồng ý Hà Giang xây trụ sở mới
Tại cuộc họp báo, việc tỉnh Hà Giang đã đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng trung tâm hành chính mới với tổng vốn đầu tư tới 1.021 tỉ đồng cũng được báo chí đặt ra.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, cho biết tỉnh Hà Giang đã đề xuất xây trụ sở mới theo hình thức PPP. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, dự án cần được cân nhắc trong việc sử dụng vốn.
Ông Trần Quân, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, cho biết thêm: Thủ tướng đã không đồng ý với đề xuất xây trụ sở mới của UBND tỉnh Hà Giang, Bộ cũng sẽ không có ý kiến thêm về vấn đề này.
Số xe công tăng do mua mới, tiếp nhận năm 2017 là 2.604 chiếc với tổng nguyên giá 2.265,17 tỉ đồng, trong đó số xe công mua...