Bộ Tài chính: Giá sữa đội 9 lần vì... tên gọi

Vì thay tên gọi mới, các sản phẩm trước đây là sữa, nay không gọi là sữa nên không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá.

Thời gian gần đây, trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng loạn giá sữa và giá sữa tăng cao bất thường.

Cụ thể, phóng sự của VTV phản ánh việc Bộ Y tế đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung và theo một bảng thống kê giá của một số sản phẩm sữa bột có giá tăng từ 5-9 lần so với giá nhập khẩu. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính báo cáo.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 19/9, Bộ Tài chính cho biết, kể từ ngày 1/1/2013 khi Luật Giá có hiệu lực, việc bình ổn giá chỉ quy định đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng. Thực hiện theo quy chuẩn này, hầu hết các sản phẩm trước đây được ghi là sữa thuộc danh mục bình ổn giá và đăng ký giá tại Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính đến nay đã được Bộ Y tế quy định tên mới là: thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...

“Với tên gọi mới này, các sản phẩm trên không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo như quy định của Luật Giá”, Bộ Tài Chính cho biết.

Bộ Tài chính: Giá sữa đội 9 lần vì... tên gọi - 1

Hầu hết các sản phẩm trước đây được ghi là sữa, nay được Bộ Y tế quy định tên mới là: thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...

Bộ Tài chính cũng cho biết, thực hiện công văn số 170 ngày 7/8/2013 về việc tên gọi mặt hàng sữa, các sản phẩm từ sữa, đã có 17/18 doanh nghiệp gửi báo cáo về Bộ Tài chính.

Báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của Bộ Y tế thì hiện nay không còn sản phẩm nào có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi;

Tên chính thức được sử dụng trên nhãn mác sản phẩm là: sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức.

“Như vậy, vì thay tên gọi mới nên các sản phẩm nói trên (sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức), trước đây là sữa nên thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá, nay không gọi là sữa nên sẽ không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá”, Bộ Tài chính cho biết.

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Bộ Y tế là cơ quan quản lý chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm sữa và thực phẩm dinh dưỡng. Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính quy định cụ thể đối với các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức (trước đây là sữa) xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này.

Đồng thời, nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa thì Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá thực hiện biện pháp theo quy định của Luật Giá để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trẻ em.

Trước khi Bộ Tài chính có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân khiến giá sữa tăng cao, Bộ Y tế cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng.

Bộ Y tế cho biết, việc quy định sữa thuộc mặt hàng bình ổn giá đã được thực hiện từ năm 2008. Kể từ ngày 1/1/2013 khi Luật Giá có hiệu lực, việc bình ổn giá chỉ quy định đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

“Như vậy, việc Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm này”, Bộ Y tế cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN