Bỏ sổ hộ khẩu từ hôm nay, 1-1-2023: 4 lưu ý cho người dân khi làm thủ tục hành chính
Từ hôm nay, ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu giấy không còn sử dụng. Những thủ tục liên quan đến BHYT, đăng ký mua điện sinh hoạt, hồ sơ miễn giảm học phí sẽ thay đổi.
Kể từ hôm nay, ngày 1-1-2023, toàn bộ sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú (STT) bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng- theo khoản 3 Điều 38 của Luật Cư trú năm 2020.
Sổ hộ khẩu là loại giấy tờ cần thiết để đi làm nhiều thủ tục hành chính, giao dịch quan trọng, như: thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn; thủ tục làm sổ đỏ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; mua bán nhà; xác nhận tình trạng hôn nhân; ký hợp đồng thế chấp/vay ngân hàng…
Khi SHK, STT hết giá trị sử dụng, các cơ quan chức năng đã sẵn sàng quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử.
Để người dân thuận tiện trong việc thực hiện một số thủ tục quan trọng khi bỏ SHK, STT, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định 104 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.
Thay đổi thủ tục liên quan đến bảo hiểm y tế
Nghị định 104 đã bỏ cụm từ “bản sao sổ hộ khẩu” trong số các giấy tờ mà người đi nhận kết quả thay phải xuất trình để chứng minh là nhân thân hoặc người giám hộ của người yêu cầu cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Nghị định 104 quy định cá nhân đăng ký nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội, khi đến nhận kết quả là tiền giải quyết chế độ BHYT, viên chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hướng dẫn cá nhân như sau:
Nếu người hưởng chế độ trực tiếp nhận: Cung cấp giấy hẹn và thẻ CCCD hoặc CMND.
Nếu người khác nhận thay: Nếu là thân nhân của người hưởng chế độ thì cung cấp giấy hẹn, CMND hoặc thẻ CCCD và một trong các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng BHYT như bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân …
Nếu là người giám hộ: Cung cấp giấy hẹn, CMND hoặc thẻ CCCD, giấy tờ chứng minh là giám hộ đương nhiên của người hưởng BHYT. Trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật thì cung cấp giấy hẹn, CMND hoặc thẻ CCCD, quyết định công nhận việc giám hộ của cấp có thẩm quyền.
Nếu không phải là thân nhân hoặc người giám hộ nêu trên, cung cấp giấy hẹn, CMND hoặc thẻ CCCD, giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.
Từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng, các cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử, một số thủ tục sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh: THANH MẬN
Thay đổi về quản lý chính sách miễn, giảm học phí
Về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, Nghị định 104 đã thay thế cụm từ SHK thành thẻ CCCD hoặc CMND, Giấy xác nhận thông tin về cư trú ...
Đối với học sinh, sinh viên có thẻ CCCD và được cấp mã số định danh cá nhân, thông tin về nơi thường trú có thể khai thác từ việc kết nối và chia sẻ dữ liệu về dân cư với các cơ sở giáo dục đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Tài chính, Sở Tài chính, thì cha mẹ trẻ em, học sinh, sinh viên không phải nộp Giấy khai sinh và giấy tờ chứng minh nơi thường trú.
Quy định mới về mua điện sinh hoạt
Theo Điều 11 Nghị định 137/2013 quy định điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt đối với bên mua điện phải kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ sau: SHK, hoặc STT; ...
Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2023 Nghị định 104 đã sửa đổi thành: bên mua điện không cần chuẩn bị SHK/STT mà chỉ cần tại điểm mua điện có thông tin cư trú của bên mua (tức trên hệ thống dữ liệu) hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng mua điện để ký hợp đồng mua bán điện sinh hoạt.
Ngoài ra, Nghị định 104 có bổ sung về hồ sơ đề nghị mua điện và một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
Thẻ CCCD, CMND, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cá nhân đại diện bên mua điện. Tại một địa điểm đăng ký mua điện, bên mua điện là một hộ gia đình thì chỉ được ký một Hợp đồng.
Trường hợp không sử dụng thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện, bên mua điện cung cấp bản sao của một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở; giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ một năm trở lên hoặc các giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện có thời hạn từ một năm trở lên để đăng ký mua điện và chỉ được ký một hợp đồng..
Những giấy tờ thay thế sổ hộ khẩu
Theo điều 14, Nghị định 104/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục hành chính được cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong bốn phương thức sau:
Thứ nhất, tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;
Thứ hai, tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;
Thứ ba, sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;
Thứ tư, sử dụng các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Nghị định 104 cũng nêu, những trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức trên thì cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, …có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.
Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ CCCD, CMND, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong tháng 1-2023, các chính sách liên quan đến người dân như cách tra cứu thông tin công dân thay cho sổ hộ khẩu giấy, tăng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở… sẽ chính thức...