Bỏ quy định phạt riêng nhà báo, luật sư khi livestream tại phiên tòa

Sự kiện: Thời sự

Ở Pháp lệnh đã thông qua, mọi người vi phạm về quy định ghi âm, ghi hình đều bị xử lý để đảm bảo công bằng, tính tôn nghiêm của phiên tòa.

Sáng 18/8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng với tỷ lệ tán thành 100%.

Pháp lệnh vừa được thông qua có nhiều điểm thay đổi so với dự thảo được TAND Tối cao trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8.

Toàn cảnh phiên họp chuyên đề pháp luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/8

Toàn cảnh phiên họp chuyên đề pháp luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/8

Theo đó, Pháp lệnh đã bỏ quy định tại dự thảo về mức phạt 7-15 triệu đồng áp dụng với nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ; bỏ quy định phạt 15-30 triệu đồng nếu những ghi âm, ghi hình này được phát trực tiếp trên không gian mạng.

Pháp lệnh cũng bỏ quy định phạt tiền 15-30 triệu đồng đối với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án; phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của tòa án như dự thảo trước đó.

Thay vào đó, điều 23 Pháp lệnh quy định mức phạt 7-15 triệu đồng khi ghi âm lời nói, hình ảnh của HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

Pháp lệnh cũng quy định: Nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí, cũng bị phạt từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.

Nội dung này đã có sự điều chỉnh so với dự thảo 5 trước đó. Cụ thể, dự thảo 5 quy định “Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Báo cáo thẩm tra trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng về nội quy phiên tòa, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều quy định "nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ".

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung: "Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa" .

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm quy định thống nhất giữa Pháp lệnh với các luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, điều 23 của dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý như trên.

Nói thêm về việc này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ở Pháp lệnh đã thông qua, đối tượng của quy định cũng thay đổi, thay vì là nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý thì nay mọi người vi phạm về quy định ghi âm, ghi hình đều bị xử lý để đảm bảo công bằng, tính tôn nghiêm của phiên tòa.

Nguồn: [Link nguồn]

Livestream ở phiên tòa có thể bị phạt 30 triệu đồng

Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng có thể bị phạt tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Giang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN