Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Tài nguyên Môi trường 'tinh gọn tối đa' khi hợp nhất

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Những cục, vụ quản lý đặc thù, chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Tài Nguyên Môi trường sau khi hợp nhất sẽ được tinh gọn tối đa.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết nội dung nêu trên tại cuộc làm việc với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sáng 9/12 về phương án hợp nhất, sắp xếp đơn vị trực thuộc giữa hai bộ.

Cùng với tinh gọn tối đa những cục, vụ quản lý đặc thù và chuyên ngành, những lĩnh vực có chức năng, nhiệm vụ giao thoa của hai bộ sẽ được tích hợp, bổ sung chức năng, nhiệm vụ để quản lý thống nhất, thông suốt, không để khoảng trống.

Hai bộ sẽ hợp nhất các đơn vị tham mưu, tổng hợp tương ứng; sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp. Tên gọi dự kiến của bộ mới sau khi hợp nhất cũng được bàn thảo tại cuộc làm việc cùng phương án đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về bộ máy, tổ chức, hoạt động.

Sau khi nghe phương án hợp nhất của lãnh đạo hai bộ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định mục tiêu của chủ trương này là giảm chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn hay bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước. Hợp nhất cũng nhằm tổ chức bộ máy khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước trong tình hình mới.

Ông Hà nhấn mạnh hợp nhất hai bộ là nhiệm vụ quan trọng, không thể chậm đổi mới hơn được nữa nhằm giảm bớt các đầu mối quản lý nhà nước chuyên ngành theo nguyên tắc "một việc không giao cho hai người". Vì vậy, đề án hợp nhất của hai bộ phải dựa trên tư duy quản lý tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Quá trình thực hiện cần phát huy tinh thần khoa học, tập thể, dân chủ, khách quan "không hợp nhất cơ học".

Phó thủ tướng yêu cầu hai bộ lập ngay tổ công tác cũng như xây dựng đề án hợp nhất hai bộ, thành lập Đảng bộ của bộ hợp nhất trực thuộc Đảng bộ Chính phủ; tính toán phương án sử dụng cơ sở vật chất, hạ tầng sau khi hợp nhất. Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn tiêu chí sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức sau khi hợp nhất.

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 12/2024. Ảnh: Hoàng Giang

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 12/2024. Ảnh: Hoàng Giang

Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố hôm 6/12, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường dự kiến hợp nhất, lấy tên mới là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường.

Chính phủ cũng dự kiến hợp nhất nhiều bộ ngành khác. Trong đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính hợp nhất, lấy tên là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Bộ này quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng hợp nhất, lấy tên là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và xây dựng đô thị, nông thôn.

Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên bộ sau sắp xếp là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông. Bộ này thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ hợp nhất, dự kiến lấy tên Bộ Nội vụ và Lao động; chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp chuyển sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.

Theo kế hoạch định hướng, Chính phủ sẽ được tinh gọn gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Một số bộ sẽ được hợp nhất, thay đổi tên gọi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Tuân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN